3 học sinh Phú Yên về nhà sau nửa năm mất tích

Sau một tuần về nhà, Phan Tấn Hợp vẫn bị rối loạn tâm lý, mặc dù em đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Trên tay Hợp nhiều vết sẹo do bị chích lửa, đầu và ngực còn đau.

Sau một tuần về nhà, Phan Tấn Hợp vẫn bị rối loạn tâm lý, mặc dù em đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Trên tay Hợp nhiều vết sẹo do bị chích lửa, đầu và ngực còn đau.

Còn Trần Minh Hoàng, Phạm Trường Hận thì tâm lý đã ổn định.

Người thân, xóm giềng đến thăm Phan Tấn Hợp (thứ tư, từ trái qua). Ảnh: Phú Yên Online

Tháng 10/2010, em Trần Minh Hoàng, Phạm Trường Hận và Phan Tấn Hợp (cùng SN 1996, học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Tất Thành, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa – Phú Yên) rủ nhau vào Đồng Nai chơi, vì có cha em Phạm Trường Hận đang bán vé số ở đây. Tuy nhiên, do ngủ quên trên xe nên các em đã vào TP. HCM và sau đó bị dụ dỗ bán đi.

Các em bị đưa đến một xưởng may và phải lao động vất vả từ sáng sớm đến nửa đêm, không có lương, trong 6 tháng các em không được ra ngoài. Người nhà của em Trần Minh Hoàng đang là sinh viên tại TP. HCM kiên trì theo dõi 3 tháng liền và nhờ phóng viên báo Tuổi Trẻ giúp đỡ, các em mới được giải thoát.

Từ sự việc mất tích của ba học sinh này, dư luận đặt câu hỏi: Sự quản lý và vào cuộc của các cơ quan chức năng đến đâu. Sở LĐ - TBXH tỉnh Phú Yên hiện chưa nhận được thông tin nào từ Phòng LĐ - TBXH huyện Tây Hoà về sự mất tích cũng như sự trở về của ba học sinh THCS Nguyễn Tất Thành.

Cán bộ trẻ em xã Hoà Bình 2 (huyện Tây Hoà), thừa nhận: Công tác trẻ em hiện nay quá nhiều việc để làm và khi có những sự việc như thế xảy ra, họ vẫn đơn độc, chưa có sự hỗ trợ nào từ các đoàn thể.

Việc ba trẻ em mất tích hơn 6 tháng, bị bán, bị bóc lột sức lao động chỉ là một ví dụ. Hiện nay, công tác trẻ em ở tỉnh Phú Yên vẫn chưa có cán bộ chuyên trách cấp xã, cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em phải kiêm nhiệm.

P.V (tổng hợp)

Đọc thêm