3 lần phẫu thuật cứu trẻ sơ sinh không có lỗ hậu môn hiếm gặp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/6, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ phẫu thuật thành công cho bé sơ sinh mắc dị tật bẩm sinh không có lỗ hậu môn.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi là bé trai tên L.G.N (trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) sau sinh được phát hiện không có lỗ hậu môn.

Qua thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ xác định trẻ bị dị tật bẩm sinh không hậu môn thể cao. Trẻ sau đó các sĩ đã tiến hành phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định, khoẻ mạnh, bú tốt. Gia đình được bác sĩ hẹn tái khám, sau 2 tháng tiến hành phẫu thuật lần 2 tạo trực tràng tạo hình hậu môn. Hiện tại sau 2 lần phẫu thuật, tình trạng hậu môn của trẻ tốt, được tiếp tục theo dõi thêm và chờ lịch phẫu thuật lần 3 đóng hậu môn.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp, dị dạng hậu môn trực tràng là một dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, khoảng 1/4000 trẻ sinh sống. Khi không có hậu môn, ống trực tràng bị gián đoạn và phân ứ đọng lại ở ruột già. Phân “tìm” đường thoát và sẽ rò ra ngoài bởi một đường rò (ở 90% trẻ). Đường rò này có thể ra tầng sinh môn, rò vào niệu đạo hay bàng quang… Trường hợp khác không có đường rò, lòng ruột sẽ bị gián đoạn hoàn toàn và tình trạng tắc ruột xảy ra (khoảng 10%).

Từ trường hợp trên, bác sĩ Sơn khuyến cáo, gia đình cần đặc biệt lưu ý đến trẻ sau sinh, nhất là vấn đề đại, tiểu tiện của trẻ. Bình thường trẻ sẽ đi ngoài trong vòng 24 giờ. Nếu như quá 24 giờ trẻ chưa đi ngoài phân su thì cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Đối với sản phụ trong quá trình mang thai, thai phụ cần đi thăm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn. Đặc biệt, việc sàng lọc trước sinh rất quan trọng và có thể phát hiện được các dấu hiệu định hướng như các quai ruột giãn thường xuyên trong tất cả các lần siêu âm, từ đó gia đình có thể chuẩn bị trước và bác sĩ sẽ có xử trí kịp thời ngay sau khi sản phụ sinh.