30 năm làm không công giúp trẻ bụi đời thành người có ích

Gần nửa cuộc đời làm việc không công, mang niềm vui cho những đứa trẻ khuyết tật bằng cách thành lập “Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam” (số 25/48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội), hạnh phúc với ông Trần Duyên Hải (SN 1938, ngụ quận Long Biên) là việc những học viên được xã hội đón nhận và trở thành người có ích.

Gần nửa cuộc đời làm việc không công, mang niềm vui cho những đứa trẻ khuyết tật bằng cách thành lập “Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam” (số 25/48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội), hạnh phúc với ông Trần Duyên Hải (SN 1938, ngụ quận Long Biên) là việc những học viên được xã hội đón nhận và trở thành người có ích.  

Thầy Hải hướng dẫn học trò học nghề may
Thầy Hải hướng dẫn học trò học nghề may

Ông lão “nghiện” việc tốt

Sinh ra trong gia đình khá giả nhưng có thái độ khinh miệt người nghèo, cậu bé Hải thường chỉ thích chơi với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Lớn lên một chút, thương những người xin ăn, cậu bé không ít lần lén gia đình đem cơm gạo đi cho. Ngay từ bé, cậu đã được mọi người đánh giá là khác lạ khi có “sở thích” giúp người khác.

Ông Hải kể lại, ông đến với niềm vui giúp đỡ người khác từ tấm gương của bác Tạ Đình Đề. Khi đó, bác Đề là người phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ thể thao xuất khẩu ở cuối phố Quán Sứ, thường chỉ sử dụng công nhân là những người đã mãn hạn tù. Từ việc làm đó, ông suy nghĩ những người từng một thời lầm lỗi không phải do bản chất của họ mà có thể do hoàn cảnh, việc giúp đỡ họ hoàn lương là điều nên làm.

Năm 1975, khi đang làm giáo viên dạy nghề ở Sở thương nghiệp Hà Nội, ông thường đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm và không ít lần gặp hình ảnh trẻ ăn xin vạ vật trên ghế đá. Ông nhớ lại: “Không ít lần chứng kiến cảnh những đứa trẻ móc túi bị phát hiện đánh gãy răng, miệng đầy máu, tôi thấy thương chúng quá nên bế vào cho chúng ăn. Từ đó tôi luôn đau đáu với việc làm sao đưa các em trở về con đường hoàn lương, tự tạo ra việc làm nuôi sống bản thân”.

Mặc những lời bàn tán, dị nghị, ông từ bỏ cả công việc nhà nước để có thời gian lo cho lũ trẻ lang thang cơ nhỡ, khuyết tật.

Thời gian đầu, tập trung những đứa trẻ bị coi là bất hảo này, ông gặp không ít khó khăn, không chỉ thiếu vốn để tạo dựng cơ sở, mà quan trọng hơn là bị nhiều người dè bỉu, khinh thường. Ban đầu, ấp ủ ý định dạy nghề thợ mộc, ông tập hợp những trẻ lang thang ở khu vực đền Bà Kiệu, nhờ người bạn làm thợ mộc ở quê lên cùng mình dạy nghề. Có vốn, hai người đi mua gỗ làm lán trại ở bãi Phúc Xá, dự định dạy cho các em làm những vật dụng nhỏ như ghế, bàn…

Kế hoạch này thất bị vì nhiều lý do nhưng ông vẫn nung nấu quyết tâm dạy nghề cho các em. Năm 1980, ông đến khu vực chợ Đồng Xuân thấy những mặt hàng quần áo được tiêu thụ khá mạnh, một số gia đình ở Khâm Thiên cũng mang quần áo tự may ra chợ bán. Vốn có kinh nghiệm của giáo viên dạy nghề may trước đây, cộng với thị trường tiềm năng, ông đi đến quyết định lập xưởng may. Nhìn những đứa trẻ học bằng niềm say mê bên máy may, ông kể lại bao nhọc nhằn đều tan biến hết.

Học nghề xong, ông tìm đến những gia đình làm may gia công nhỏ lẻ ở Khâm Thiên xin cho các em vào làm. Những ngày đầu tiên, ai cũng chối đây đẩy khi biết lai lịch của những đứa trẻ hè phố. Lòng kiên nhẫn của ông cuối cùng đã chiến thắng. Nhiều ngày thấy ông lão đến, xin đảm bảo bằng danh dự của mình, những hộ gia đình này đã rụt rè đón nhận những công nhân mới, chỉ vài ngày sau đã hỏi tiếp: “Còn em nào thì thầy cứ mang đến đây”.

Năm 1990, nhận thấy nếu chỉ làm gia công thì số tiền các em có được chẳng là bao, ông Hải mạnh dạn mua vải về cho các em may lấy sản phẩm bán. Kế hoạch này thất bại bởi nhiều tiểu thương chèn ép, quỵt tiền khiến xưởng nhỏ cụt vốn. Thấy những đứa trẻ có nguy cơ trở về con đường lang thang, ông đánh liều về bàn với vợ dự định dạy nghề cho chúng đi kiếm ăn với quan niệm: “Không nên để các em sống bằng lòng thương hại của người khác, phải để các em tự nuôi sống bản thân bằng nghề mình học được”.

Mái nhà của những số phận thiệt thòi

Đến năm 2001, Trung tâm dạy nghề nhân đạo đào tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam được thành lập. Một khó khăn cũ quay lại là nhiều doanh nghiệp không tin tưởng khi nặng quan niệm các em đều là đối tượng có quá khứ xấu. Ông Hải lại đi đến từng doanh nghiệp thuyết phục, và phải mất bốn năm sau mới có doanh nghiệp đồng ý nhận người. “Đầu xuôi đuôi lọt”, từ đó đến nay, cơ sở này đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều đơn vị lao động.

Ngày nào cũng vậy, thầy Hải lại vượt quãng đường gần 10 km từ nhà đến trung tâm để dạy nghề. Ông tâm sự hạnh phúc của mình là thấy các em học được nghề, tự nuôi sống được bản thân. Làm việc tốt không bao giờ là đủ, từ mùa thi đại học năm 2002, trung tâm còn là địa chỉ miễn phí nơi ăn chốn ở cho các sĩ tử từ xa về Hà Nội thi.

“Cứ đến mùa thi là giá phòng, thực phẩm lại tăng chóng mặt, nhiều em còn bị lừa hết tài sản nên tôi quyết định tuy chật chội nhưng trung tâm luôn chào đón các sĩ tử đến trọ miễn phí”, ông Hải nói. Ngôi nhà này còn là điểm đến của những người cô đơn, lang thang không có điều kiện về với gia đình vào những dịp Tết nguyên đán.

Hơn 70 tuổi, những bước chân vì người khác vẫn chưa dừng lại. Cứ nghe nói có trẻ em bị bạo hành, khuyết tật, ông lại đến tận nơi xin chính quyền đưa các em về trung tâm nuôi dạy. Cũng không ít trường hợp nghe tiếng nên tự tìm đến trung tâm để hy vọng được sống, được trân trọng như những người bình thường.

Em Đặng Ngọc Phương (18 tuổi, quê ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là một trường hợp như vây. Mang đôi chân khuyết tật chỉ ngắn khoảng 40cm, phải di chuyển bằng ghế nên “trước khi đến đây rất mặc cảm về bản thân, nhưng được thầy Hải chỉ bảo, em đã lấy lại được niềm tin trong cuộc sống. Sau này em sẽ mở một cửa hàng may mặc” như lời Phương nói.

Hơn 70 tuổi, bước chân chưa mỏi nhưng thực tế tuổi già đã sầm sập tới. Trăn trở của thầy Hải hiện nay là sức khỏe nay đã bắt đầu yếu, không biết còn làm được bao lâu. Ông suy tư: “Hi vọng sau này sẽ có nhiều nhà hảo tâm xây dựng lên những ngôi nhà cho những người khuyết tật, hoặc hỗ trợ họ phần nào để cuộc sống của họ bớt khó khăn”.

Cưu mang giúp đỡ khoảng gần 100 em thì 60 em khuyết tật, ngoài ra là các trẻ lang thang cơ nhỡ, bị xâm hại tình dục hay những người phụ nữ bị bạo hành, ông lão quả là “nóc” của một gia đình lớn. Bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương, phụ trách văn hóa – xã hội chia sẻ: “Việc giúp đỡ, dạy nghề cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật của thầy Hải là việc nên làm. Đây cũng là biện pháp giúp những số phận thiệt thòi dễ hòa nhập với cộng đồng hơn”.

Hà Bắc

Đọc thêm