Năm 2010, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước là 11.449, giảm 47 người so với năm trước. Trung bình mỗi ngày có 30 người chết vì TNGT.
> Gần 11.500 người chết vì tai nạn giao thông
|
Bộ trường GTVT Hồ Nghĩa Dũng đề xuất nên có ngày tưởng niệm các nạn nhân chết do TNGT. Ảnh: Đức Nam. |
Chỉ thấp hơn… châu Phi
Tại Hội nghị tổng kết An toàn giao thông quốc gia năm nay, nhiều bằng khen được trao cho nhiều lãnh đạo ngành từ trung ương xuống địa phương. Nhưng số người thiệt mạng trong toàn quốc: 11.449 người, vẫn tăng hơn 1.700 vụ TNGT. Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng cho biết, số người chết giảm 47 người so với năm ngoái là chưa đạt chỉ tiêu đặt ra (giảm 5%).
Ông Dũng nói: “Theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới (thống kê 100 quốc gia) có 1,2 triệu người chết vì TNGT. Tức là trung bình mỗi quốc gia có khoảng 12 nghìn người chết/năm. Trong khi Việt Nam, năm nay chết hơn 11 nghìn người. Như vậy, số lượng này dưới mức trung bình của thế giới. Nếu so với châu Âu, Việt Nam tăng 1,5 lần, còn so với châu Phi thì thấp hơn nhiều lần”.
Bên hành lang hội nghị, trả lời PV Tiền Phong về tính chính xác của thống kê TNGT, ông Dũng nói: “Số liệu thống kê do phía CSGT thực hiện. Tôi chỉ băn khăn về số vụ, số người bị thương không chính xác. Trên thế giới, thông thường số người bị thương gấp 4 lần số người chết”.
CSGT là “mặt tiền của mặt tiền”
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho rằng: “Giảm được 47 người chết tuy không lớn nhưng thể hiện sự cố gắng, trong khi các phương tiện giao thông tăng liên tục”. Ông Tiệm lưu ý về nạn đua xe, quậy phá: “Tôi chỉ đạo công an các địa phương làm nghiêm, xử lý mạnh hơn nữa đối tượng đua xe bằng cách thu phương tiện sung vào quỹ bảo trợ xã hội”.
Ông cũng nghiêm khắc nhắc nhở CSGT cần tôn trọng văn hóa giao thông, tác phong nghiêm túc, nhã nhặn khi xử lý vi phạm để người vi phạm dù phải nộp phạt cũng cảm thấy thoải mái.
“Nếu thanh niên không đội mũ bảo hiểm thấy CSGT bỏ chạy, không nhất thiết phải truy đuổi ráo riết những 10 km, chỉ cần ghi biển số và xử phạt sau. CSGT phải hết sức khôn khéo, mưu trí trong xử lý vi phạm. CSGT là mặt tiền của mặt tiền, do đó tôi kêu gọi anh em đừng để chiến sỹ vi phạm, đừng để nhiệt tình quá mà kém khéo léo, gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Tiệm nói.
Để bảo vệ hành khách trong dịp Tết trước nạn xe dù, xe nhồi nhét khách, phóng nhanh vượt ẩu, ông Dũng nói, lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh, thành phố phải thông báo số điện thoại về Văn phòng thường trực Ủy ban ATGT quốc gia trước 23-1-2011. Các lực lượng khác như CSGT đường bộ - đường sắt và CSGT đường thủy cũng phải liên tục cập nhật số liệu về TNGT trong những ngày cao điểm.
Theo chỉ đạo liên ngành công an và GTVT, dịp đi lại cao điểm Tết Tân Mão, nếu phát hiện xe khách chở quá số người quy định, ngoài lập biên bản vi phạm sẽ yêu cầu chủ xe và lái xe bố trí xe khác để chuyển tải khách hoặc đưa về bến xe gần nhất bàn giao cho Sở GTVT. Chủ xe, lái xe phải chịu mọi chi phí chuyển tải và tiền vé xe cho khách tiếp tục hành trình còn lại. Hoàn thành việc trên, xe khách vi phạm mới được lưu thông.
Theo Tiền Phong