Báo chí nước ngoài và các học giả nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều có chung nhận định, đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài nhất và khốc liệt nhất trên dải đất hình chữ S tươi đẹp này và ngày 30/4 đã chấm dứt 1 thế kỷ đô hộ của các nước phương Tây. Ý nghĩa thời đại là ở chỗ, một dân tộc nhỏ bé, một đất nước nghèo nàn nhưng với ý chí quật cường dân tộc thì có thể chiến thắng những quốc gia hùng mạnh cả về tiềm lực quốc phòng và kinh tế. Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho cả chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lăng của ngoại bang.
Đối với nhân dân Việt Nam, ý nghĩa của chiến thắng 30/4 là chấm dứt chiến tranh, đất nước hòa bình và thống nhất, gia đình, anh em sum họp. Đây hoàn toàn không phải là điểm kết thúc một cuộc nội chiến và người thua không phải chính quyền Sài Gòn mà đích danh là người Mỹ với cuộc xâm lăng của họ. Đây chính là yếu tố quan trọng để phân định một cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa và kết quả như đã rõ “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Chiến thắng này thuộc về cả dân tộc, kể cả những người ở “phía bên kia”, họ hoàn toàn không phải những “người thua cuộc” khi họ đứng về phía dân tộc và quốc gia.
Chiến thắng càng có ý nghĩa hơn khi nhân dân được hưởng hòa bình và ấm no, hạnh phúc trong một đất nước độc lập và thống nhất. Vì vậy, những kẻ muốn một mình hưởng thụ chiến thắng này, kể cả tên tuổi hay thành quả, tất yếu sẽ bị trừng phạt, trước hết là từ lòng dân. Núi xương dựng lên, sông máu đổ xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, vì sự tồn vong của dân tộc, vì hòa bình của đất nước, vì sự sum họp của mỗi nhà không thể để cho ai đó lợi dụng hoặc xuyên tạc. Chỉ có sự tri ân và tôn vinh tự tâm khảm của những con dân nước Việt, của những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên địa cầu này.
Kỷ niệm Ngày chiến thắng, chúng ta ôn lại chiến công hiển hách của dân tộc, truyền thống kiên cường, bất khuất của cha ông để cùng chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giữ gìn từng tấc đất non sông gấm vóc với niềm tin vững chắc vào một Việt Nam hùng cường trong một tương lai không xa, xứng đáng với những xương máu đã đổ ra, với khát vọng của tiền nhân: “Xã tắc từ đây bền vững. Giang sơn từ đây đổi mới. Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu” (Bình Ngô đại cáo).