Theo nội dung dự thảo điều chỉnh giá viện phí đang được Bộ Y tế biên soạn, tới đây khoảng 350 dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ bị điều chỉnh tăng giá.
Trong đó, khoảng 60 dịch vụ dự kiến mức tăng tối đa từ 2,5-5 lần; khoảng 70 dịch vụ y tế sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hóa chất, điện nước thì mức tăng tối đa là 7-10 lần so với hiện nay. Riêng tiền khám bệnh, tiền ngày giường điều trị có mức tăng cao hơn với mức điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám (tăng 10 lần).
Tiền ngày giường nằm điều trị theo quy định trước đây chỉ từ 4.000- 16.000 đồng; dự kiến mức giá mới là từ 10.000 đồng đối với trạm y tế xã và tối đa là 100.000 đồng đối với ngày điều trị nội khoa; tăng cao nhất theo dự thảo là ngày giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt là 150.000 đồng.
Tại buổi gặp gỡ với báo chí sáng 21-7, đại diện Bộ Y tế cho biết, khung giá viện phí cũ áp dụng từ năm 1995 tới nay không còn phù hợp với tình hình giá cả và chi phí để thực hiện các dịch vụ. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), toàn bộ người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được ngân sách Nhà nước chi mua thẻ BHYT; khi đi khám, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí và tiền vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến điều trị từ tuyến huyện, chỉ còn phải đóng 5% chi phí. Do đó, việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 53 triệu người hiện nay đã có BHYT.
Theo VnEconomy