365 ngày "làm dâu trăm họ"…

(PLO) - Nghề nào cũng có niềm vui và nỗi buồn. Với nghề báo nói chung và công tác bạn đọc nói riêng, chúng tôi vui, buồn theo kết quả của những bài viết và từng lá đơn của bạn đọc, nhưng phấn khởi nhất là khi được bạn đọc thấu hiểu và chia sẻ với công việc của nghề “làm dâu trăm họ”.
Tiếng nói của PLVN được phản hồi tích cực
Đầu năm 2013, ngay khi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố bản Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Báo PLVN đã có các bài viết phản ánh những bất cập của một số quy định tại Dự thảo, trong đó có quy định: người viết không được “tự ý thêm, bớt hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí..”. 
Tiếp dân tại Ban Pháp luật - Bạn đọc 
PLVN đã tiếp cận quy định trên không chỉ dưới lăng kính của các chuyên gia pháp lý mà còn với cái nhìn của những người cầm bút trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chính bởi vậy, bài viết của PLVN đã phân tích khá cụ thể những điểm bất hợp lý của Dự thảo cũng như đề xuất hướng giải quyết nhằm giúp hoạt động tác nghiệp báo chí “dễ thở” hơn. 
Bài báo đã chỉ rõ: Hình phạt chỉ nên áp dụng trong trường hợp người viết tự ý thêm bớt mà làm sai ý của người trả lời phỏng vấn, còn “thêm, bớt” để làm cho bài phỏng vấn hay hơn, có tính logic, cô đọng hơn và quan trọng là không làm sai ý của người trả lời thì việc áp dụng mức chế tài từ 5-10 triệu đồng là không phù hợp. Bởi trên thực tế, một buổi trao đổi trực tiếp với người được phỏng vấn có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, lượng từ có thể lên tới vài nghìn. Nếu để nguyên thì chắc chắn trong nhiều trường hợp, bài viết sẽ bị Ban Biên tập loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Thừa nhận bất cập này, khi bản Dự thảo Nghị định trên được thông qua và ban hành ngày 12/11/2013, Chính phủ chỉ quy định: “Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí hoặc không đúng nội dung thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp”. Như vậy, so với Dự thảo thì Nghị định đã bỏ cụm từ “tự ý thêm, bớt” mà thay vào đó là quy định: “thể hiện sai ý của người trả lời” hoặc “không đúng nội dung thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp”.  
Đây không chỉ là niềm vui của đội ngũ những người làm báo mà còn là sự thành công của PLVN khi tiếng nói của tờ báo đã có tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội và được cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp thu và phản hồi tích cực. 
Thạc sĩ Luật cũng kêu cứu
Bên cạnh những công việc chuyên môn, Ban Pháp luật- Bạn đọc còn có một nhiệm vụ quan trọng khác đã gắn liền với “thương hiệu” của Ban ngay từ khi mới ra đời, đó là việc tiếp dân và giải quyết đơn thư. Bao nhiêu lá đơn của bạn đọc gửi đến là bấy nhiêu tâm trạng với những hoàn cảnh hết sức éo le. Chính bởi vậy, rất thật khi nói rằng chúng tôi vui với niềm vui của bạn đọc khi những thắc mắc, kiến nghị của người dân thông qua các bài viết trên Báo PLVN nhận được sự hồi âm tích cực từ cơ quan chức năng; nhưng bên cạnh đó cũng là những trăn trở, suy tư khi những bài viết đã đăng tải không làm thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của các cơ quan công quyền.
Bạn đọc đến với Báo PLVN thuộc đủ mọi thành phần, từ những nông dân không biết chữ đến các cán bộ, công chức nhà nước, thậm chí cả những thạc sĩ, tiến sĩ - người nắm vững những quy định của pháp luật trong tầm tay. Đó là trường hợp của Thạc sĩ Luật Nguyễn Thị Anh Thư (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Tháng 5/2012, chị Thư được vợ chồng ông bà Cao Bá Vinh (có quyền sử dụng thửa đất 470,8m2 tại Xuân Bách, Quang Tiến,  Sóc Sơn, Hà Nội - đất đã có sổ đỏ) ủy quyền cho chị “được quản lý, sử dụng, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…đối với mảnh đất nêu trên”. 
Theo nội dung Hợp đồng ủy quyền, chị Thư đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Đỗ Phú Nguyên. Tuy nhiên, khi ông Nguyên đến làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất và nhà (thuộc UBND huyện Sóc Sơn) thì bị cơ quan này từ chối giải quyết với lý do cơ quan này không mời được người ủy quyền là vợ chồng ông Cao Bá Vinh đến. Chính vì vậy mà chị Thư không thể hoàn thiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyên.
Khỏi phải nói tâm trạng bức xúc và hoang mang của chị Thư khi nhận được trả lời này. Vì nắm vững pháp luật nên chị đinh ninh rằng các cơ quan chuyên môn của huyện Sóc Sơn  sẽ giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật, ai dè lại bị cơ quan này “ngâm dấm, ngâm tỏi”: “Việc pháp luật cho phép các bên được ủy quyền là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch dân sự. Nếu trường hợp sau khi ủy quyền mà người ủy quyền đã ra nước ngoài định cư, chẳng lẽ cơ quan chức năng phải đợi bằng được người ủy quyền về nước mới giải quyết thì có phải là đang gây phiền phức và làm khó cho người dân?. Như thế thì hợp đồng ủy quyền toàn bộ còn giá trị và ý nghĩa gì nữa?”. 
Nhận được đơn của bạn đọc, PLVN không chỉ viết bài mà còn gửi Công văn đến Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đề nghị giải quyết, nhưng rất tiếc cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ cơ quan này?. Không rõ trong việc giải quyết đơn khiếu nại của người dân, UBND huyện Sóc Sơn có quan liêu như vậy?.
Được bạn đọc giao nhiệm vụ… bất khả thi
Nhưng dù được phản hồi hay không, dù vấn đề của bản thân có được Tòa soạn đăng tải hay đơn giản chỉ là chuyển đơn đến cơ quan chức năng giải quyết thì hầu hết bạn đọc khi đến với Báo PLVN đều tuyệt đối tin trưởng vào sự công tâm và nhiệt tình của cán bộ, phóng viên công tác tại Tòa soạn. 
Chúng tôi vẫn nhớ trường hợp của một phụ nữ trẻ quê ở Bắc Giang, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chồng chị phải vào Tây Nguyên làm ăn. Tưởng chồng sẽ gom góp tiền gửi về cho các con ăn học, ai dè anh lại vui theo mối tình mới và bỏ bê vợ dại, con thơ ở quê. Sau hơn hai năm đi “làm kinh tế mới”, anh đã dắt theo cô vợ hờ và một đứa con riêng của mình về quê. Xung đột và mâu thuẫn giữa vợ chồng chị đã xảy ra, chị liên tục bị anh hành hung thậm tệ. Rất tiếc, là chính quyền địa phương lại không coi đó là nhiệm vụ của mình. Cực chẳng đã, chị tìm đến Tòa soạn.  
Sau bài viết của PLVN, tình trạng hôn nhân của chị có vẻ được cải thiện hơn (vì chính quyền địa phương đã vào cuộc). Nhưng bẵng đi một thời gian, chúng tôi lại nhận được thông tin:  chồng chị đã làm đơn xin ly hôn. Mắt đỏ hoe, chị “bắt đền” chúng tôi: “Báo phải làm tiếp bài nữa để anh ấy từ bỏ ý định ly hôn tôi và bỏ vợ hờ kia đi”. Quả là một nhiệm vụ khó như tìm đường lên các vì sao! Chuyện hôn nhân là do tình cảm của hai bên, Báo làm sao can thiệp được!?. Sau khi nghe chúng tôi phân tích và tư vấn, chị vui vẻ ra về và không quên “đặt chỗ”: “Nếu có chuyện gì, tôi lại tìm đến Tòa soạn”.
Còn cụ ông Nguyễn Sỹ Kha (quê ở thôn Thượng, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), năm nay đã xấp xỉ tuổi 80, khi đến PLVN đưa đơn khiếu nại, được chúng tôi hướng dẫn, giải thích tận tình, cụ đã xúc động xuất khẩu bốn câu thơ mộc mạc dành tặng riêng cho những người làm công tác tiếp dân - nghề “làm dâu trăm họ”:
Nhà Báo Pháp luật Việt Nam ta
Tiếp dân tình nghĩa tựa người nhà
Đơn thư gửi đến đều xem xét
Văn bản chuyển đi chẳng bỏ qua…
Hơn cả Bằng khen hay bảng vàng thành tích, những tình cảm đó  chính là nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua mọi trở ngại, giữ vững nhiệt huyết với nghề. Bởi, khi bạn đọc hài lòng cũng có nghĩa là chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình - là chiếc cầu nối giữa người dân với các cơ quan quản lý nhà nước.

Đọc thêm