|
Trợ giúp pháp lý tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng |
Dù còn nhiều khó khăn song ngành Tư pháp địa phương được đánh giá có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay, hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng tình trạng “khoán trắng” công tác tư pháp cho ngành Tư pháp đã cơ bản được đẩy lùi khi cả hệ thống chính trị của các địa phương cùng vào cuộc, đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy, địa phương đến công tác tư pháp. Không chỉ là quan tâm bổ sung kiện toàn bộ máy, kinh phí, trang thiết bị làm việc... mà hầu như trong tất cả các hoạt động chuyên môn mà ngành Tư pháp thực hiện tại cơ sở đều có dấu ấn của cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Hướng về cơ sở”, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, Bộ Tư pháp cũng đã tăng cường tổ chức các chuyến công tác tại địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác chuyên môn. Trong năm 2013, Lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện 71 chuyến công tác, làm việc với tỉnh uỷ, chính quyền của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS); đã có 13 thông báo kết luận về các chuyến công tác nhằm tạo chuyển biến lớn trong công tác tư pháp, THADS ở địa phương.
Nhiều mô hình hay, sáng kiến mới
Hướng về cơ sở không những giúp Bộ Tư pháp phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ mà từ chủ trương này, những cách làm hay, sáng kiến mới cũng được triển khai, nhân rộng.
Từ phong trào “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” do Sở Tư pháp Quảng Ngãi khởi xướng, với sự quan tâm, ủng hộ sâu sắc từ Bộ Tư pháp đến các cơ quan trong và ngoài tỉnh, các Sở Tư pháp và Cục THADS trong và ngoài Khu vực thi đua các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, phong trào này đã vượt ra khỏi giới hạn ngành Tư pháp Quảng Ngãi và lan tỏa đến các cơ quan tư pháp cả nước.
Bên cạnh đó, Chương trình Tư pháp hướng về cơ sở với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau đã giúp không ít cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn vợi đi nỗi lo cơm áo, nhà cửa trong cuộc sống đời thường, yên tâm gắn bó với ngành hơn.
Với mục đích phục vụ dân tốt hơn, nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân đã được ngành Tư pháp đầu tư, đổi mới theo hướng chủ động, thiết thực. Trong đó, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức thí điểm mô hình “một cửa liên thông” trong lĩnh vực hộ tịch - hộ khẩu - bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.Hồ Chí Minh...); áp dụng việc trả kết quả giấy tờ hộ tịch qua bưu điện (TP.Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Hà Nội...); Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 902 trường hợp (trong đó có 889 trường hợp là người không quốc tịch cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên) tạo điều kiện cho bà con khu vực biên giới yên tâm ổn định đời sống...
Không thể kể hết sáng kiến của các địa phương trong năm qua, chỉ biết rằng người dân sẽ đón nhận khi những công việc liên quan đến đời sống của họ được giải quyết đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Dù đã được phát hiện nhân rộng, khen thưởng động viên hay chưa thì ít nhất những sáng kiến đó vẫn cho người làm công tác tư pháp những sự trải nghiệm mới để phục vụ dân tốt hơn. Có lẽ đó cũng chính là mục tiêu hướng về cơ sở mà ngành Tư pháp đặt ra và quyết tâm thực hiện …