Vượt các chỉ tiêu được giao
Nghi Xuân là huyện có diện tích rộng, nằm giáp TP.Vinh (Nghệ An), có tuyến quốc lộ và bờ biển kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm hoạt động. Vì thế, lượng án hàng năm luôn gia tăng, các vụ việc thường “dính” phải các đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, nghiện hút…, là những đối tượng không có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, sự sáng tạo của tập thể cán bộ công chức Chi cục THADS, cùng sự quan tâm của lãnh đạo ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, năm 2013 đơn vị đã đạt được thành tích cao.
Ông Ngụy Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nghi Xuân cho biết, năm 2013 Chi cục có 322 việc phải thi hành, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, có 287 việc có điều kiện thi hành, chiếm 89,2%, số việc chưa có điều kiện thi hành chiếm 10,8%. Kết quả, Chi cục đã thi hành xong 276 việc/287 việc (đạt 96%, trong khi đó chỉ tiêu được giao là 88%).
Ông Ngụy Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nghi Xuân |
Về tiền, Chi cục có số tiền phải thu gần 11 tỷ đồng, tăng 116% so với cung kì năm 2012. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành chỉ chiếm 46,3% so với số tiền phải thi hành, số tiền chưa có điều kiện thi hành chiếm 53,7%.
Kết quả, Chi cục đã thi hành được số tiền 4,5 tỷ đồng (đạt 90%, trong khi chỉ tiêu được giao là 77%). Số việc còn lại là những việc liên quan đến các đối tượng phải thi hành án nhưng thường xuyên vắng mặt ở địa phương, đối tượng nghiện hút, chống đối thi hành án…
Không chỉ vượt các chỉ tiêu được giao, Chi cục THADS Nghi Xuân còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác như xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án, công tác giải quyết tố cáo..., góp phần đẩy lùi những vướng mắc cho năm sau.
Khuyến khích việc tự nguyện thi hành
“Để đạt được những kết quả trên, Chấp hành viên của Chi cục đã tích cực trong công tác xác minh cũng như thực hiện thi hành án. Đồng thời, nhờ có nhiều cách làm sáng tạo, “mềm dẻo” nên hiệu quả công tác thi hành án đạt kết quả cao. Trong đó, phương pháp mà Chi cục ưu tiên áp dụng là khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành, đặc biệt là việc phối hợp với Tòa án, chính quyền để thi hành án…” - ông Ngụy Văn Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng cho biết thêm, nhờ sự nhạy bén của từng cán bộ, chấp hành viên cộng với việc rút kinh nghiệm từ việc nhiều đương sự sau khi tòa xử xong đã đi khỏi địa phương, tiếp tục làm ăn thua lỗ không có điều kiện thi hành án nên các chấp hành viên đã phối hợp với tòa án thuyết phục đương sự thi hành án ngay khi vụ án vừa kết thúc xét xử.
Một cách làm nữa, đó là phối hợp với các trại giam trong việc thi hành án. Có những vụ việc chấp hành viên vào tận trại giam phối hợp với cơ quan Công an vận động, khuyến khích đương sự chấp hành, đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp, đoàn thể. Ví dụ, người phải thi hành án là phụ nữ thì phối hợp với Hội Phụ nữ, là thanh niên thì phối hợp với Đoàn Thanh niên…, vì thế nhiều vụ việc khó thi hành đã được tháo gỡ.
Nhiều vụ án, chấp hành viên đã phải nhiều lần đến tận nhà đương sự tác động để đương sự nhận thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự nguyện thi hành án. Bên cạnh đó có nhiều biện pháp để động viên tinh thần gia đình của đương sự để đương sự không hoang mang, chán nản, bi quan trước việc chấp hành việc thi hành án. Ngoài ra, còn có nhiều cách làm khác để giúp động viên đương sự, cũng như khai thác thông tin điều kiện kinh tế của đương sự qua người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khối phố, làng xóm, cơ quan đơn vị nơi có người phải thi hành án…
Với thành tích đạt được, năm 2013 Chi cục được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen. Cùng với đó, trong ba năm gần đây Chi cục, cán bộ công chức đơn vị cũng nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của Tổng cục THADS.