Hòa Bình: Còn nhiều bất cập khi triển khai Luật Lý lịch Tư pháp

(PLO) - Ngay sau khi Luật Lý lịch Tư pháp (LLTP) có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2010), UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch  triển khai thực hiện Luật LLTP,  tổ chức hội nghị ở cấp tỉnh, triển khai thực hiện Luật,  đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật LLTP đến cán bộ, nhân dân.
Hòa Bình: Còn nhiều bất cập khi triển khai Luật Lý lịch Tư pháp
Nhanh chóng triển khai
Sau 3 năm thực hiện Luật LLTP (2010- 2013) và Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm LLTP quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP”, công tác LLTP ở tỉnh Hòa Bình đã đi vào nền nếp. Sở Tư pháp đã tiếp nhận 4.555 thông tin LLTP từ các cơ quan chức năng gửi đến để phân loại, xử lý, cung cấp cho các cơ quan hữu quan theo quy định, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP theo thẩm quyền. 
Tư pháp Hòa Bình cũng đã cung cấp cho Trung tâm LLTP quốc gia 547 bản LLTP; 254 phiếu cung cấp thông tin LLTP bổ sung; cung cấp 462 thông tin cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số thông tin LLTP còn lại hiện vẫn đang được tiếp tục xử lý theo quy định.  
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 2.712 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP của cá nhân, chuyển hồ sơ đề nghị Công an tỉnh tra cứu, xác minh thông tin về án tích đối với 2.712 trường hợp; lập và cấp 2.565 phiếu lý lịch tư pháp (gồm 2.553 phiếu lý lịch tư pháp số 1 và 12 phiếu số 2); số hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định.
Nếu như thời gian đầu thực hiện Luật LLTP, hầu hết các hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP đều bị chậm thời hạn trả kết quả (do phải chờ kết quả xác minh từ Công an tỉnh) thì đến thời điểm này, về cơ bản tình trạng chậm trả kết quả hồ sơ LLTP so với thời hạn luật định đã được khắc phục, tạo thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu cấp phiếu LLTP để tham gia các giao dịch dân sự, thương mại.
Còn vướng cả về quy định và nhân sự 
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Luật LLTP và Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Hòa Bình cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập.
Về nhân lực và phương tiện, hầu hết các cơ quan có liên quan đến việc cung cấp thông tin LLTP, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP đều thiếu biên chế chuyên trách để thực hiện các công việc liên quan đến LLTP.
Những người kiêm nhiệm làm công tác LLTP hầu như chưa được tập huấn nghiệp vụ về LLTP, cơ quan không có kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lưu trữ, cung cấp thông tin LLTP. 
Về hệ thống pháp luật, thực tiễn hiện nay một số văn bản liên quan đến công tác LLTP cũng có các quy định thiếu đồng bộ và không thống nhất, như: Khoản 1 Điều 16 Luật LLTP quy định: Tòa án đã xét xử sơ thẩm có nhiệm vụ gửi cho Sở Tư pháp trích lục bản án;  Khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 04/2012 quy định: 
Tòa án đã xét xử sơ thẩm có nhiệm vụ gửi trích lục bản án hoặc bản án. Mẫu trích lục bản án (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2012) có một số nội dung mà mẫu bản án hình sự sơ thẩm (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) không có, như: các thông tin về quốc tịch, dân tộc, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người bị kết án. 
Ngoài ra, Khoản 11 Điều 15 Luật LLTP quy định: Cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ gửi giấy xác nhận kết quả thi hành án, văn bản thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình, nhưng Khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 lại quy định: Việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình, Cơ quan Thi hành án dân sự không phải ra văn bản thông báo kết thúc việc thi hành án (trừ trường hợp đương sự yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án dân sự).
Những quy định không đồng bộ này đã gây nhiều khó khăn cho quá trình cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP của các địa phương. 
Cũng còn một bất cập nữa là không có cơ chế để kiểm soát thông tin LLTP đối với các trường hợp phát sinh từ các địa phương (ngoài địa bàn tỉnh) nhưng không (hoặc chưa) được cung cấp kịp thời đến Sở Tư pháp nơi đương sự, bị án có hộ khẩu thường trú.
Điều này dẫn đến tình trạng tại tỉnh Hòa Bình có trường hợp công dân yêu cầu cấp phiếu LLTP, khi Sở Tư pháp kiểm tra các thông tin về án tích phát sinh sau ngày 1/7/2010 do Sở Tư pháp quản lý thì không có thông tin của công dân này, nhưng kết quả tra cứu, xác minh tại cơ quan Công an lại cho thông tin án tích của công dân do Tòa án nhân dân thuộc một tỉnh phía Nam xét xử.
Như vậy, nếu không có sự phối hợp với Công an thì Sở Tư pháp sẽ dễ bị sai sót khi cấp phiếu LLTP vì bỏ lọt thông tin về án tích của đương sự.
Từ thực tế này, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những điểm còn bất cập, chưa thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và khắc phục những hạn chế liên quan đến công tác LLTP để công tác này ngày càng hiệu quả, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của người dân.

Đọc thêm