Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được bảo lãnh vay vốn phải đáp ứng 4 điều kiện.
1- Là doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo;...;
2- Có dự án đầu tư có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Dự án đầu tư được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định;
3- Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư;
4- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại (tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư dự án) trên cơ sở kết quả thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng tài chính của các bên.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP của cả nước - Ảnh minh họa |
Thời hạn bảo lãnh vay vốn được xác định phù hợp với thời hạn vay vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng và thời gian thực hiện các thủ tục để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Giới hạn bảo lãnh vay vốn cho 1 doanh nghiệp tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Tổng mức bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các doanh nghiệp tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
2 trường hợp từ chối bảo lãnh vay vốn
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong 2 trường hợp: 1- Ngân hàng thương mại giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp không đúng mục đích sử dụng vốn vay ghi trong hợp đồng tín dụng; 2- Doanh nghiệp sử dụng vốn vay, tài sản hình thành vốn vay không đúng mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng và ngân hàng thương mại chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với doanh nghiệp.
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên gần 2.313.857 tỷ đồng (tương đương 121 tỷ USD). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cả nước.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn giúp tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm... Hiện các doanh nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội.
Theo Chính phủ