“Sống chung với rác nên ngửi quen rồi”
Theo ông Lê Minh (75 tuổi) một cư dân quê gốc Quảng Ngãi, sinh sống ở “xóm ổ chuột” từ trước trước năm 1975, dân tứ chiếng tụ về đây để tránh bom đạn. Không có đất, họ cất tạm nhà sàn trên mặt biển.
Lúc đầu thưa thớt, sau đông dần. Sau giải phóng, một số người về quê, số còn lại do quen mưu sinh với nghề biển nên trụ lại, rồi truyền đời nhau đến bây giờ. Cũng có khá nhiều cư dân mới đến đây lập nghiệp chừng mươi năm nay.
Hầu hết cư dân ở “xóm ổ chuột” đều nghèo. Nghề của họ chủ yếu là đi ghe, đi bạn cho chủ tàu, làm chồ, rớ, đan lưới, khai thác hải sản ven bờ hoặc làm thuê, gánh mướn để kiếm sống qua ngày.
Trong căn nhà chừng 30m2, không có giường, không có bàn ghế, anh Trần Văn Tiến (37 tuổi) kể: “7 năm trước, tôi lấy vợ rồi tách hộ, sau đó ra mua căn nhà ở sát mép nước này với giá 20 triệu đồng. Mỗi chiều, tôi theo thuyền nhỏ của gia đình đánh giã cào bắt tôm, cá nhỏ, còn vợ tôi buôn bán cá ở chợ.
Một góc “xóm ổ chuột” ở phường Hải Cảng |
Trông ngôi nhà rách nát, chuột cống chạy loạn xạ vậy, song nếu sang nhượng cũng kiếm được dăm bảy chục triệu ấy. Nhà trông vậy mà cất lên cũng tốn kém lắm. Trụ cọc phải là gỗ có tẩm dầu rái, gỗ màng lin hay sao xanh để lâu mục, xịn hơn thì bê tông. Muốn đóng trụ, phải chờ nước ròng, sau đó thuê thổi cát, rồi thì gỗ sàn, gỗ vách năm nào cũng phải tu bổ”.
Ở “xóm ổ chuột” này cơ cực nhất là vào mùa mưa bão. Mỗi lần có bão, những người dân nơi này phải gửi nhờ “người và của” vào nhà người quen trong phố và bỏ mặc ngôi nhà cho gió bão. Bão qua, họ lại dọn rửa rều rác và trở về sinh sống. Mưa to gió lớn, nước biển dâng lên săm sắp trên sàn nhà, khiến cư dân rất nhiều đêm phải ngồi, thậm chí đứng canh nước xuống.
Hỏa hoạn cũng là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây. Trong lịch sử, “xóm ổ chuột” từng 4 lần bị hỏa hoạn lớn vào các năm 1973, 1993, 1998, 2006 làm cho nhiều người điêu đứng.
Vụ hỏa hoạn năm 1998 thiêu trụi 120 ngôi nhà cho đến nay vẫn là nỗi ám ảnh hãi hùng trong tâm thức người dân TP. Quy Nhơn. “Chữa cháy là điều không thể. Đường sá mỏng dính, ngõ đâu khiêng vác đồ đạc, ngõ đâu xe pháo ra vô, xe máy còn đi không được nữa là. Cho dù tiếp cận được hiện trường thì liệu còn kịp ra tay với vật liệu háo lửa như phên cót, bao bì, bìa cát tông, gỗ ván. Thoát được tấm thân là quý lắm rồi”, ông Minh cho biết.
“Sống chung với rác nên ngửi quen rồi”, đó là câu nói của ông Nguyễn Thanh Hiền (46 tuổi) và dường như cũng là câu cửa miệng của những người dân sống chung với mùi hôi thối nồng nặc của rác.
Vừa nói ông Hiền vừa đưa tay chỉ chúng tôi khoảnh nước đầy rác và bùn đen xềnh xệch ở phía dưới nhà mình. Tuyệt nhiên ông không dùng đến khẩu trang, một số người khác cũng vậy, mặc dù mùi hôi thối mỗi lúc càng thêm nặng.
Đi khắp đường ngang ngõ hẹp ở nơi này, nhà được cất theo lối nhà sàn ở Tây Nguyên, miền núi. Khác ở chỗ, dưới những căn nhà sàn này toàn là… rác. Rác nằm la liệt, rác nổi bồng bềnh, rác bám lấy những trụ nhà, rác nêm chặt các kẽ ván. Mùi hôi thối của rác vì thế mà trở nên bưng kín, vây lấy xóm nhà chồ này.
Ông Hiền chua chát: “Dân thành phố, nhưng người ta sống theo lối hiện đại, còn chúng tôi thì phải sống chung với rác. Ở đây, do gần cảng Quy Nhơn nên nhiều gia đình đến ở vì dễ bề mưu sinh, nhà cửa dần trở nên chật chội. Nhưng dòng chảy thì không được thông thoáng. Thế là rác từ ngoài biển vào, cộng với rác sinh hoạt không được thoát ra ngoài. Dồn ứ, tắt nghẽn và bốc mùi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều lần Đội Môi trường mặt nước thuộc Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn cũng có đi lấy rác trên mặt nước, nhưng không lấy xuể, nhất là đối với rác nổi lềnh bềnh dưới sàn nhà.
Ông Đinh Thanh Tuấn (Phó chủ tịch UBND phường Hải Cảng) cho biết: “Khi nước lên, rác từ các nơi tràn vào, nước ròng thì đọng lại do cửa âu thuyền hẹp quá. Mặt khác, trình độ nhận thức về vệ sinh môi trường của cư dân còn kém, nhiều người nghĩ, đi vệ sinh được xuống nước thì rác cũng vứt được, nên xóm nhà ở nơi này bị ô nhiễm ngày càng nặng”.
Muốn vào nhà, anh Tiến phải đi nghiêng người qua một bên |
“Viêm xoang là bệnh toàn dân”
Nhà ông Hiền 6 người thì cả 6 đều sụt sịt ho hen. Ông Hiền cho biết: “Ở xóm này, viêm xoang là bệnh toàn dân. Dây dưa hoài, mệt quá. Chữa loanh quanh tại Quy Nhơn, bệnh chẳng những không bớt mà ngày càng trở nặng thêm. Có đêm, tôi đặt lưng xuống là đờm lên, ngộp thở. Tôi vừa xong đợt điều trị trong TP Hồ Chí Minh về. Bác sĩ bảo viêm xoang thể nặng. 5 người còn lại trong gia đình tôi ai cũng bị viêm xoang. Vợ tôi bị nặng lắm, mỗi lần có nắng lên thì mùi hôi thối oi bức bả chịu không được nên nằm một đống luôn”.
Ngồi trò chuyện, anh Tiến bảo rằng, mình là người may mắn vì không bị viêm xoang, viêm mũi, trong khi 3 người còn lại trong gia đình đều mắc phải. Đó không phải là “hoàn cảnh” nhà anh Tiến, ông Hiền mà là của hầu hết những phận người ở “xóm ổ chuột” này.
Họ tếu với nhau rằng, sống chung với rác và làm bạn với viêm xoang, nên trong nhà thuốc gì không có cũng được, chứ thuốc viêm xoang là không thể thiếu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2011, cư dân nơi đây từng khấp khởi mừng khi TP Quy Nhơn rục rịch khởi động dự án xây dựng bờ kè. Theo đó, sẽ xây dựng bờ kè kiên cố kéo dài hàng nghìn mét, giải quyết một phần đất ở, thiết lập khu neo đậu tàu thuyền, di dời cư dân, xóa bỏ “xóm ổ chuột” bệ rạc, rách rưới.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, dự án đi qua bước phân định mốc giới, tham vấn ý dân, khảo sát, đánh giá, sàng lọc đối tượng thì đùng một cái có thông báo dừng.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: “Vào cuối năm 2011, chúng tôi đã tiến hành quy hoạch và lập dự án chỉnh trang đô thị, kết hợp làm kè, đổ đất ở khu vực phường Hải Cảng, với tổng vốn đầu tư 110 tỉ đồng. Do nguồn vốn lớn, thành phố không đủ khả năng cân đối ngân sách nên chúng tôi đã có kiến nghị với tỉnh và Trung ương xem xét hỗ trợ, bổ sung vốn thực hiện dự án nhưng đến giờ vẫn chưa được đáp ứng.
Hiện tại UBND thành phố vẫn đang tiếp tục kiến nghị lên trên, đồng thời tính toán ngân sách của thành phố, thực hiện dần các hạng mục của dự án. Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền ý thức cho người dân, kiểm tra chống việc lấn chiếm thêm, kết hợp thu gom, dọn dẹp môi trường thường xuyên”.
Mong muốn của hầu hết những hộ dân ở “xóm ổ chuột” là được ổn định chỗ ở và nhất là có miếng đất dưới nhà chứ không phải nước và rác loang lổ như bao đời nay.
Ông Hiền cho biết: “Thật ra, không ai muốn sống hoài cảnh thế này đâu nhưng chúng tôi, phần vì ít tiền, phần vì đã quen ở đây. Nếu có thay đổi, chúng tôi chỉ mong dự án kia sớm thành hiện thực để vừa có thể ở được trên đất, vừa ở được chỗ cũ và lại không quá tốn kém”./.