Công nghệ vượt trội...
Trong buổi thử nghiệm 4G với công nghệ LTE-A trên mạng thực tế của VNPT, trong điều kiện tối ưu, tốc độ download đo được thực tế là 584Mbps (lý thuyết 600Mbps). Theo đại diện VNPT VinaPhone, khi triển khai thương mại trong tương lai gần, tốc độ download trung bình cũng sẽ cao hơn 3G khoảng 10-20 lần, độ trễ của dịch vụ thấp, đặc biệt vùng phủ sóng ổn định hơn hẳn so với 3G, mức tiêu thụ nguồn của thiết bị đầu cuối cũng thấp hơn.
Công nghệ LTE-Advanced còn được biết đến với tên gọi “4G đích thực” có thể đạt tốc độ download/tải xuống tối đa là 3 gigabits/giây và upload/tốc độ tải lên tối đa là 1,5 gigabits/giây. Kết quả trải nghiệm với các loại thiết bị điện thoại khác nhau khi sử dụng dịch vụ 4G công nghệ LTE-Advanced, tốc độ download đạt trung bình từ 95.90Mbps đến 245.63Mbps.
VNPT VinaPhone cho biết, trong thời gian tới, mạng này có khả năng cung cấp cho khách hàng tốc độ download/upload lên tới600 Mbps trong giai đoạn tiếp theo. Dựa trên nền tảng công nghệ mới này, khi sử dụng dịch vụ 4G, người dùng hoàn toàn có thể trải nghiệm các dịch vụ cần tốc độ và dung lượng rất cao về dữ liệu, nhạy cảm về độ trễ như xem video chất lượng cao (Mobile TV), truyền video trực tuyến (Mobile Broadcast), truyền hình hội nghị (Cloud Video Conferencing), máy tính cá nhân ảo (Daas)…
Trước đó, trung tuần tháng 12/2015, Viettel công bố chính thức trở thành mạng di động đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G với việc chính thức khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ sau hơn 1 tháng nhận được giấy phép thử nghiệm dịch vụ di động 4G. Mạng này đã đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền.
Kết quả thử nghiệm cho thấy tốc độ 4G tại Vũng Tàu đạt trung bình từ 40-80Mb/s, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm, tốc độ có thể đạt đến 230Mb/s, gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s).
...có mang đến đột phá cho thị trường?
Bình luận về việc các nhà mạng đã bắt đầu triển khai dịch vụ 3G, lãnh đạo một mạng di động cho rằng, 4G là cơ hội cho người biết nắm nó, nhưng quan trọng nhất là “cái gì chạy trên 4G” để có thể thu hút người tiêu dùng, chứ không phải chỉ là các dịch vụ như 3G chạy với tốc độ cao hơn.
“Hiện, 3G nếu tăng hết tốc độ cũng đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dùng. Tất nhiên 4G sẽ tạo ra nền tảng và rất nhiều loại dịch vụ chạy trên đó. 4G không phải chỉ là dịch vụ như 3G tốc độ cao, là tiêu tiền nhanh hơn. Nếu không có dịch vụ tương xứng chạy trên nền 4G thì chỉ là công bố dịch vụ cho có, chứ không “chín”, kể cả về thiết bị đầu cuối, dịch vụ. Quan trọng nhất với khách hàng là trải nghiệm, là công nghệ đem đến trải nghiệm dịch vụ” – ông này nói.
Vị lãnh đạo nói trên cho rằng, nếu triển khai 4G thì có thể rất nhanh, nhưng các nhà mạng phải hết sức tỉnh táo, nếu không sẽ rơi vào bẫy của các nhà sản xuất thiết bị. Quan điểm này cũng tương tự quan điểm của các nhà mạng tại buổi tọa đàm mới đây của Câu lạc bộ nhà báo công nghệ thông tin. Đại diện Viettel và VNPT đều khẳng định 2016 chưa phải là năm bùng nổ dịch vụ 4G.
Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, muốn 4G bùng nổ phải có đủ hai yếu tố là có mạng 4G và thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G. “Đây sẽ là năm bản lề đầu tiên để các doanh nghiệp viễn thông bước vào 4G” – ông Cường nói. Còn theo ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel, giá thiết bị hỗ trợ 4G phải xuống khoảng 50 USD thì 4G mới có thể bùng nổ được.
Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ mất ít nhất chừng 1 năm cho việc xây dựng hạ tầng, triển khai các dịch vụ tương xứng, đồng thời thiết lập mặt bằng hợp lý hơn cho thiết bị đầu cuối làm cơ sở chín muồi cho 4G thực sự được ứng dụng, có dấu ấn trên thị trường, đồng thời có “chỗ đứng” thực sự trong đời sống xã hội.