Triển khai 4G: Doanh nghiệp sôi sục, khách hàng vẫn thờ ơ

(PLO) - Hàng loạt hội thảo, tọa đàm và các động thái pháp lý, kỹ thuật đang được cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chuẩn bị để có thể triển khai 4G ở Việt Nam theo đúng lộ trình. Nhưng đến nay, hầu hết khách hàng của các mạng di động vẫn thờ ơ khi nghe nói đến công nghệ 4G. Vì sao nên nỗi?
Theo khuyến cáo của nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, việc triển khai dịch vụ 4G phải thực chất
Theo khuyến cáo của nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, việc triển khai dịch vụ 4G phải thực chất
3G còn nhiều lúc chưa đâu vào đâu…
Khi phóng viên hỏi một số khách hàng di động về công nghệ 4G – công nghệ cho phép tải dữ liệu với tốc độ cao, trên nền tảng đó có thể chạy được các dịch vụ dữ liệu phục vụ các lĩnh vực đời sống, góp phần quan trọng vào việc công nghệ hóa nhiều lĩnh vực cuộc sống – nhiều người đã tỏ ra thờ ơ và không mấy tin tưởng về thành công của việc triển khai công nghệ này ở Việt Nam trong thời gian ngắn. 
“3G còn nhiều lúc chưa đâu vào đâu, chất lượng kém, ngay tại các đô thị lớn còn lỗ chỗ, nhất là trong các tòa nhà. Giá dịch vụ tưởng rẻ nhưng không rẻ, vì các gói rẻ lại cho phép dùng rất hạn chế. Nói chung, nếu 3G chưa tạo được sự thỏa mãn thì khách hàng khó tin tưởng để tham gia thị trường dịch vụ 4G với các nhà mạng” – ông Lê Minh Hải (Đống Đa, Hà Nội) nhận định.
Ngay tại tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hồ Chí Dũng – Giám đốc công nghệ của Viettel – cũng thừa nhận dù Viettel đã đầu tư rất nhiều cho 3G nhưng dịch vụ này chưa thực sự thành công như mong muốn, thể hiện ở số lượng thuê bao 3G của Viettel chỉ chiếm khoảng 30% tổng số thuê bao di động của mạng này - một tỷ lệ rất thấp so với mức trung bình của khu vực là 45%. “Thậm chí tại Thái Lan, chỉ trong vòng 5 tháng, số lượng người dùng từ 2G chuyển sang 3G cũng đã đạt tỷ lệ 30%, bằng Viettel làm trong 5 năm” – ông Dũng nói. 
Theo ông, đó là vì nhà mạng đã không tiếp cận 3G đúng cách mà vẫn áp dụng tư duy, lối tiếp cận cũ (thoại, nhắn tin là chủ yếu) để khai thác dịch vụ. “Một nguyên nhân khác là do sự khác biệt giữa thử nghiệm công nghệ trong phòng thí nghiệm với khi triển khai ra ngoài cuộc sống, va chạm - tiếp xúc trực tiếp với người dùng. Nhiều khi chỉ số đo đạc trong lab rất tốt, nhưng khi kinh doanh thì phải phụ thuộc vào trải nghiệm người dùng” – ông Dũng cho biết.
Trên thực tế, tốc độ và chất lượng dịch vụ của 3G là một vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, do tốc độ quá chậm, tín hiệu dễ bị “rớt”, phập phù. Đại diện Viettel và VNPT đều cho rằng, môi trường phủ sóng tại những địa phương như Hà Nội rất phức tạp, nhà bé, ngõ hẹp, trong khi các nhà mạng hiện đều rất khó khăn trong việc xin cấp phép để xây trạm phủ sóng. 
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã chỉ ra, bản chất của vấn đề vốn dĩ không nằm ở công nghệ mà là do nhà mạng đã triển khai như thế nào. “Nếu cứ triển khai các trạm 3G lỗ chỗ, mỗi nơi vài trạm như hiện nay thì tốc độ không thể nào được như người dùng kỳ vọng, 3G cũng vậy mà 4G, thậm chí 5G cũng khó cải thiện được” – ông Thắng khuyến cáo.
...thì 4G vẫn chỉ là chuyện thiên hạ
Ông Lê Nam Thắng cho rằng, để quyết định thời điểm triển khai 4G cần dựa vào ba yếu tố. Một là, trước hết cần xem công nghệ đã đủ chín muồi, phổ biến hay chưa. Nếu ta triển khai sớm quá thì giá thành thiết bị sẽ đắt, cước phí sẽ đắt. Ngược lại, nếu ta triển khai giữa chừng thì lại bị lỡ nhịp, vì thế giới đã chuyển sang công nghệ khác. Thứ hai, chọn băng tần phù hợp với công nghệ mà giá cả phải chăng. Thứ ba, đóng vai trò then chốt, quan trọng chính là phải xem xét nhu cầu người dùng.
“Thời gian gần đây, các nhà sản xuất thiết bị đăng đàn rất nhiều về việc đã đến lúc phải triển khai 4G, nếu không triển khai thì sẽ bị tụt hậu so với các nước xung quanh. Nhưng các nhà mạng cần tránh bị cuốn theo tuyên bố của nhà sản xuất, vì bản thân họ cũng có lợi ích từ đó. Chiến lược 3G của Việt Nam chính là một ví dụ kinh điển: Các nước triển khai từ những năm 2000 nhưng gần 10 năm sau Việt Nam mới làm, khi smartphone, tablet trở nên phổ biến – ông Thắng nói – Nhà mạng phải thực sự lắng nghe nhu cầu từ phía người dùng. Phải có nhu cầu thì việc kinh doanh mới có thực chất và hiệu quả.  Còn nếu không có nhu cầu mà vẫn cố làm thì chỉ là để làm thương hiệu, làm để lấy tiếng”.
Còn từ góc độ khách hàng, ông Lê Minh Hải cho rằng, công nghệ 4G sẽ được quan tâm hơn khi thiết bị đầu cuối (điện thoại, smartphone) tích hợp 4G phải có mức giá phù hợp, dịch vụ trên nền 4G rẻ và tiện ích... “Cứ như hiện nay, 4G là chuyện của nhà mạng, nhà sản xuất và của nước ngoài, không liên quan đến đông đảo người dùng di động Việt Nam” – ông Hải nói.

Đọc thêm