Ngày 26/7/2011 Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phạm vi Quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6km2. Thời hạn quy hoạch được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tính chất của việc Quy hoạch là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mục tiêu của việc Quy hoạch sẽ xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Định hướng đầu tiên mà Quyết định số 1259/QĐ-TTg đề cập tới là định hướng tổ chức phát triển không gian. Trong đó có 04 nội dung chủ yếu. Cụ thể:
Thứ nhất, mô hình phát triển không gian đô thị, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
Thứ hai, định hướng phát triển hệ thống đô thị. Trong đó có 03 nội dung chủ yếu đối với từng khu vực.
Đầu tiên là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố Hà Nội và cả nước.
Theo đó, phát triển 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ … Dân số các đô thị vệ tinh từ nay đến năm 2030 phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn
Nội dung nữa được đề cập là việc xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như: Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Phát triển các thị trấn huyện lỵ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện, đầu mối về: hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, giao thông, vệ sinh môi trường), dịch vụ công cộng (hành chính, thương mại, giáo dục, y tế …), sản xuất (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao công nghệ, thông tin, tài chính …) của thành phố.
Thứ ba, định hướng phát triển nông thôn theo mô hình “Nông thôn mới”. Việc này cần tập trung phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn, tái định cư tại chỗ dân cư có tuyến đường mới hoặc mở rộng đi qua. Các trung tâm xã tiếp cận với làng xóm và các khu dịch vụ đô thị bằng hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng mới.
Bảo tồn các nghề truyền thống di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác du lịch và giải trí.
Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (vùng lúa năng suất cao, vùng sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến, duy trì và mở rộng các vùng trồng rau, hoa quả truyền thống, vùng chăn nuôi tập trung …).
Kiểm soát, hạn chế phát triển lấy đất nông nghiệp để xây dựng mới, mở rộng không theo quy hoạch.
Xây dựng các khu sản xuất làng nghề tập trung ở ngoài khu dân cư làng xóm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích phát huy phát triển giá trị kiến trúc, bảo tồn không gian làng xóm truyền thống.
Thứ tư, định hướng không gian xanh và mặt nước. Trong đó xác định, hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp … được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị; Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng; Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng; Nâng cấp các không gian xanh hiện có, bổ sung thêm một phần quỹ đất trong các khu đất sau khi di dời các công sở, các cơ sở sản xuất công nghiệp …
Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí. Thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho các sông, hồ, đập thủy lợi. Quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của thành phố và khu vực nội đô lịch sử để tạo ra các đặc trưng môi trường về văn hóa, sinh thái, kiến trúc, mặt nước, cây xanh.