Hơn 2.500 tỷ đồng cho ngân sách
Tại hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet, cho hay, với sự đầu tư bài bản và kế hoạch phát triển bền vững, sau gần 5 năm cất cánh, thay đổi đã đến với ngành Hàng không Việt Nam khi hàng triệu người dân lần đầu tiên được tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.
Trên thế giới, ngành Hàng không Việt Nam được biết đến là một môi trường mở cửa và sẵn sàng hội nhập qua hình ảnh hãng hàng không Vietjet hiện đại, chuyên nghiệp.
Đến nay, Vietjet không ngừng phát triển với đội bay 33 chiếc thế hệ mới A320 và A321, thực hiện trên 250 chuyến bay bình quân mỗi ngày, đã vận chuyển hơn 23 triệu lượt hành khách, với hơn 47 đường bay phủ khắp các điểm đến trong nước và các đường bay quốc tế đến Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Myanmar, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản.
vietnamnet
Các sân bay địa phương như Bình Định, Pleiku, Buôn Mê Thuật, Cần Thơ, Chu Lai, Thanh Hóa,... trở nên nhộn nhịp với những chuyến bay ngày đêm của Vietjet.
Mặc dù Nhà nước không phải đầu tư vốn nhưng cuối năm 2015, doanh thu hợp nhất công ty đạt 19.845 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 2.556 tỉ đồng, lũy kế đạt 4.194 tỉ đồng.
Ngoài sự thành công trong lĩnh vực vận vận tải hàng không, thúc đẩy du lịch, Vietjet đặt ra các mục tiêu thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật; thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, học viện đào tạo tầm vóc quốc tế và khu vực.
Mục tiêu của hãng là trở thành trở thành hãng hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới, phát triển không chỉ dịch vụ hàng không mà còn là nhà cung cấp những nhu cầu tiêu dùng cho hành khách, là thương hiệu được khách hàng yêu thích và tự hào tin dùng.
5 kiến nghị lên Thủ tướng
Để phát triển thị trường hàng không Việt Nam và tạo cơ hội để các hãng bay tư nhân bứt phá, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đề xuất 5 giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Thứ nhất, Vietjet mong muốn được giải tỏa những rào cản và vướng mắc trong cơ chế độc quyền tự nhiên, còn nhiều định kiến và hạn chế đối với hàng không tư nhân, nhất là ở các cấp thừa hành thực thi. Đặc biệt, hãng mong nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp tháo gỡ các ách tắc trong cơ chế điều hành, cơ chế vận hành của các cơ quan liên quan phối hợp như cảng vụ, sân bay, hải quan, an ninh, xuất nhập cảnh, kiểm dịch,...
Thứ hai, tháo gỡ những khó khăn cho Vietjet liên quan đến dịch vụ mặt đất ở sân ba. Thời gian qua, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác của hãng như nhà ga, hangar, dịch vụ mặt đất, sửa chữa bảo dưỡng tầu bay,... đều phải thuê sử dụng và phụ thuộc vào phương tiện của các đơn vị khác nên rất bị động. Để giải quyết khó khăn trên, cần sớm triển khai các nội dung tại văn bản kết luận chỉ đạo tại Công văn số 1024/TB-BGTVT ngày 8/12/2015 của Bộ GTVT.
Thứ ba, tạo điều kiện cho các hãng hàng không - là những người sử dụng - được tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay, tham gia phối hợp trong các chương trình nâng cao năng lực quản lý bay. Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng các cơ chế cho phép hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn vào việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, các dự án đào tạo quốc gia; được tham gia vào chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa lĩnh vực hàng không và giao thông vận tải.
Thứ tư, giải quyết nhanh, rõ ràng hơn thủ tục cho chuyên gia lao động nước ngoài.
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành hỗ trợ xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để hàng không tư nhân tự tin, mãnh mẽ bứt phá, làm nên những thành công chung, những thay đổi tích cực cho hàng không Việt Nam và khu vực, đóng góp cho ngân sách, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng.