5 năm thi hành Luật Xử lý VPHC ở Vĩnh Phúc: Tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật

(PLO) - Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Sau 5 năm thi hành, Luật XLVPHC đã khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Ban hành kế hoạch triển khai chi tiết

Để triển khai thi hành Luật XLVPHC một cách đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn toàn tỉnh; hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn đối với các sở, ngành, UBND các huyện, TP triển khai thực hiện công tác XLVPHC đảm bảo theo đúng quy định; trong đó xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XLVPHC luôn được quan tâm chú trọng. Ngay từ khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phổ biến kịp thời và đầy đủ các nội dung của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đến tất cả các đối tượng liên quan như: các sở, ban, ngành; các huyện, TP, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp làm công tác này; đã cấp phát các tài liệu liên quan cho các cán bộ, công chức tham gia vào công tác này ở các cấp, các ngành, đồng thời thường xuyên có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành và UBND các huyện, TP tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC trong các lĩnh vực thuộc ngành, địa phương quản lý nhằm kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những sai sót trong công tác XLVPHC tại đơn vị, địa phương. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về XLVPHC cũng có nhiều chuyển biến tích cực. 

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống VPHC

Tại Vĩnh Phúc, trong 5 năm qua, thủ tục áp dụng đối với từng biện pháp XLVPHC cơ bản đã đầy đủ, cụ thể, bảo đảm tính công khai, minh bạch, nhanh gọn, tuy nhiên chưa thật sự đảm bảo tính hiệu quả vì theo quy định thì cơ quan lập hồ sơ phải thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ đề nghị và TAND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ đề nghị, gửi quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp XLHC hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Do vậy, thực tế nhiều đối tượng đã bỏ trốn ngay khi nhận được một trong các văn bản trên.

Về tình hình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm XLVPHC và biện pháp thay thế XLVPHC đối với người chưa thành niên: Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật về tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.

Việc áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh; trong thời gian qua có 01 trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC quản lý tại gia đình, có 1.371 trường hợp là người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC nhắc nhở.

Có thể khẳng định rằng, qua 5 năm thực hiện Luật XLVPHC đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động quản lý nhà nước về XLVPHC. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật XLVPHC đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống VPHC, yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong XLVPHC, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Luật XLVPHC đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật. 

Xử phạt hơn 260.000 vụ việc VPHC

Sau 5 năm thi hành Luật XLVPHC, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 270.273 vụ việc VPHC; đã xử phạt 265.745 vụ việc. Trong đó, VPHC xảy ra nhiều ở lĩnh vực là giao thông- vận tải; quản lý thị trường; bảo đảm an toàn giao thông, với các hành vi vi phạm phổ biến như: không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ; ở lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với các hành vi vi phạm phổ biến như: Đánh nhau, trộm cắp tài sản; ở lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội với các hành vi vi phạm phổ biến: Tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, mua, bán dâm, đánh bạc trái phép; ở lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, chủ yếu là các hành vi: Xả nước thải ra môi trường vượt quá quy định cho phép, khai thác khoáng sản trái phép.

Tình hình áp dụng các biện pháp XLVPHC, trong 05 năm, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp XLHC: 2.704 đối tượng. Biện pháp XLHC được áp dụng phổ biến nhất là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp ít được áp dụng là biện pháp thay thế XLHC đối với người chưa thành niên bằng hình thức quản lý tại gia đình theo Điều 140 Luật XLVPHC. 

Đọc thêm