5 phần mềm mã nguồn mở được yêu cầu sử dụng trong dạy học

Danh mục các phần mềm tự do mã nguồn mở được yêu cầu sử dụng chính thức để dạy học và sử dụng trong công tác văn phòng của cơ sở giáo dục đã được Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư quy định vê sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục...

Danh mục các phần mềm tự do mã nguồn mở được yêu cầu sử dụng chính thức để dạy học và sử dụng trong công tác văn phòng của cơ sở giáo dục đã được Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư quy định vê sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục . Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2010.

5 phần mềm mã nguồn mở được yêu cầu sử dụng trong dạy học ảnh 1
Vai trò của CNTT ngày càng quan trọng trong nhà trường

Các phần mềm đó cụ thể là: Phần mềm văn phòng OpenOffice.Org gồm 6 mô đun: Soạn thảo văn bản -Writer; Bảng tính điện tử - Calc; Trình chiếu - Impress; Cơ sở dữ liệu - Base; Đồ hoạ - Draw; Soạn thảo công thức toán học – Math); Bộ gõ tiếng Việt: Unikey; Trình duyệt web Mozilla Firefox; Phần mềm thư điện tử máy trạm của Mozilla: Thunderbird; Hệ điều hành trên nền Linux.

Kho phần mềm tự do mã nguồn mở giáo dục được đặt tại địa chỉ http://opensource.moet.gov.vn hoặc http://manguonmo.moet.gov.vn và www.edu.net.vn/media. Bộ GD&ĐT yêu cầu Website của các cơ sở giáo dục cần có đường liên kết đến kho phần mềm tự do mã nguồn mở này.

Bộ GD&ĐT yêu cầu thành lập các trung tâm, nhóm nghiên cứu phát triển (đối với các trường đại học có khoa chuyên ngành công nghệ thông tin) và phổ biến ứng dụng phần mềm tự do mã nguồn mở tại các trường đại học trong toàn quốc. Tổ chức cho sinh viên và các giảng viên đại học, cao đẳng tham gia cộng đồng phần mềm tự do mã nguồn mở trong nước và quốc tế. Tổ chức cho sinh viên và các giảng viên đại học tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế về phần mềm tự do mã nguồn mở. Nghiên cứu, phát triển thêm các mô đun cho phần mềm tự do mã nguồn mở; Khuyến khích đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học dựa trên nền phần mềm tự do mã nguồn mở và phát triển các sản phẩm mới trên nền phần mềm mã nguồn mở.

Giáo viên, giảng viên có trách nhiệm đưa các phần mềm tự do mã nguồn mở vào chương trình và nội dung giảng dạy để đáp ứng nhu cầu xã hội, thay thế từng phần tiến tới thay thế hoàn toàn các chương trình cứng đã được xây dựng dựa trên việc sử dụng phần mềm thương mại mã nguồn đóng.

Giáo viên được sử dụng các tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa được biên soạn trên nền phần mềm tự do mã nguồn mở có giá trị tương đương và có thể thay thế các tài liệu, giáo trình, sách giáo khoa đã được soạn với nội dung dựa vào các sản phẩm đóng của Microsoft Windows, Word, Excel, Powerpoint, Access.

Sinh viên cũng được khuyến khích làm đồ án, luận văn tốt nghiệp, thực tập trên cơ sở khai thác phần mềm tự do mã nguồn mở và sử dụng OpenOffice.Org để viết tài liệu và trình chiếu báo cáo luận án tốt nghiệp.

Đến tháng 9/2010, các cơ sở giáo dục hoàn tất việc triển khai các phần mềm OpenOffice.Org, Unikey, Firefox.

Theo GDTĐ

Đọc thêm