50 tác phẩm Triển lãm “Tình quân dân”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Triển lãm “Tình quân dân” giới thiệu đến công chúng hơn 50 tác phẩm đa dạng về thể loại và chất liệu được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phần lớn được sáng tác trong những năm tháng chiến tranh, giai đoạn 1960 - 1970 về chủ đề “Tình đoàn kết gắn bó quân và dân”.
50 tác phẩm Triển lãm “Tình quân dân”

Triển lãm “Tình quân dân” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào ngày 20/12/2022, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022).

Tình cảm của nhân dân, hậu phương vững chắc chăm lo, che chở, giúp đỡ và bảo vệ quân đội được các hoạ sĩ khắc hoạ chân thực và sinh động qua các tác phẩm: “Tập kết” (Nguyễn Hiêm, sơn mài, 1954), “Hơ áo chiến sỹ” (Văn Giáo, bột màu, 1962), “Đêm hậu cứ” (Hoàng Tích Chù, sơn mài, 1966), “Ngọn đèn không tắt” (Dương Tuấn, khắc gỗ, 1968)… Đặc biệt, tác giả Nguyễn Kao Thương đã thể hiện thành công hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của tinh thần Đại đoàn kết toàn dân trong tác phẩm “Bác Hồ thăm đơn vị pháo Hồ Tây” (sơn dầu, 1969).

"Hành quân qua bản" (Lê Trọng Lân)

"Hành quân qua bản" (Lê Trọng Lân)

Bên cạnh đó, các tác phẩm được sáng tác sau năm 1975 đến 2002 là sự hồi tưởng của chính những người nghệ sĩ đã trực tiếp ghi chép hình ảnh thực tế, thể hiện truyền thống quân dân gắn bó, như các tác phẩm “Đón bộ đội về bản” (Cao Trọng Thiềm, khắc gỗ, 1984), “Bếp lửa Trường Sơn” (Vũ Giáng Hương, lụa, 1994), “Tiếng hát mùa chiến dịch” (Mai Văn Hiến, sơn dầu, 1995), “Vượt sông” (Lê Trí Dũng, sơn mài, 1989)…

"Đêm hậu cứ” (Hoàng Tích Chù)

"Đêm hậu cứ” (Hoàng Tích Chù)

Triển lãm “Tình quân dân” không chỉ khắc hoạ sự gắn kết giữa quân và dân, truyền thống tốt đẹp đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là những hình ảnh trực quan sinh động giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Triển lãm mở cửa đến hết 30/12/2022 tại Phòng Trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).