6 kỹ năng giúp chống đỡ nạn “ném đá” trên mạng xã hội

“Thói viết bình phẩm một cách vô tâm hoặc ác ý nếu không được kịp thời chấn chính thì có thể sẽ dẫn đến một dạng bệnh tâm lý - gọi là mất kiểm soát hành vi hoặc lạc mất nhân cách”, chuyên gia tâm lý Võ Xuân Hòa phân tích.
Minh họa nguồn internet
Mất kiểm soát khi lẫn trong đám đông
Theo Thạc sĩ Võ Xuân Hòa, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thói “ném đá” của một bộ phận cư dân mạng xuất phát từ suy nghĩ sai lầm rằng trên mạng không ai biết mặt, biết tên, không ai nhận ra mình nên cứ thoải mái sử dụng ngôn từ khích bác, chửi bới và sỉ nhục người khác. Đây là ảnh hưởng của tâm lý đám đông.
Một số ý kiến cho rằng, việc đưa ra bình luận, kể cả chỉ trích ai đó là quyền cá nhân. Anh Xuân Hòa cho rằng, những người này chưa nắm rõ luật pháp, họ ngộ nhận về quyền tự do cá nhân mà quên đi trách nhiệm phải tôn trọng quyền và nhân phẩm của người khác.
Bên cạnh đó, có không ít người đã bị đám đông trong thế giới mạng lôi cuốn, dần dần họ quen với nhiều thói hư tật xấu. Trong đó có thói viết bình phẩm một cách vô tâm hoặc ác ý. Những cư xử kiểu đó nếu không được kịp thời chấn chính thì có thể sẽ dẫn đến một dạng bệnh tâm lý - gọi là mất kiểm soát hành vi hoặc lạc mất nhân cách.
Anh Hòa đưa ra dẫn chứng: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: những người thất nghiệp hoặc đang chán với công việc hoặc ít tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thường sử dụng Facebook và các trang mạng xã hội nhiều hơn bình thường. Và càng lạm dụng các trang mạng xã hội họ càng có ít thời gian nghỉ ngơi.
Ngược lại họ có nguy cơ bị rối loạn sinh hoạt (ăn, ngủ, nghỉ thất thường) và thường mất kiểm sát hành vi (dễ bị xúc động và cáu giận). Họ cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh mắc nợ nần.
Những người như thế khi lên mạng xã hội, tâm lý của họ rất thất thường nên cách giao tiếp, ứng xử của họ trên mạng thường hay tiêu cực.
Mặt khác, có một số người lên mạng là để thể hiện mình hoặc gây sự chú ý đối với người khác bằng cách viết ra những lời bình phẩm, chỉ trích gay gắt”.
Anh Hòa cho rằng, không phải lúc nào ý kiến đám đông cũng đúng. Đúng hai sai phụ thuộc vào người thủ lĩnh. Nếu số đông hoặc đám đông bị dẫn dắt bởi người xấu thì nhiều ý kiến, quan điểm xấu được tung hô và lấn át, làm lu mờ các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt.
“Gạch đá” cũng là một nguồn lực
Tuy xuất hiện những thành phần tiêu cực nhưng phải khẳng định rằng phần đông cư dân mạng vẫn là những thành viên tích cực và có trách nhiệm với những lời phát ngôn, bình phẩm của mình. Nhìn ở góc độ tích khác thì “gạch đá” của cư dân mạng cũng có mặt tốt của nó. Như việc ngăn chặn dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội.
Anh Hòa cho rằng, “gạch đá” của cư dân mạng cũng được coi là một nguồn lực hoặc vũ khí mềm. Nếu được sử dụng đúng chỗ, đúng cách và vì mục đích tốt đẹp thì nó sẽ có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
“Dư luận xã hội là động lực của sự thay đổi, nó có thể giúp xã hội tiến bộ hơn. Do vậy, đám đông cư dân mạng cần được dẫn dắt bởi những thủ lĩnh có phẩm chất tốt để tập hợp được nhiều ý kiến, quan điểm đúng đắn nhằm mang lại những thay đổi tích cực trong sự phát triển của xã hội”, anh nhấn mạnh.
6 điều nên nhớ khi bị “ném đá”
Thạc sĩ Võ Xuân Hòa cho rằng, tất cả mọi người đều muốn gìn giữ nhân cách, phẩm giá tốt đẹp của bản thân. Người ta chủ yếu dựa vào sự đánh giá từ mối quan hệ qua lại với những người khác, với tập thể, với xã hội để khẳng định nhân cách. Khi một người bị nhiều người chỉ trích, bình phẩm, hoặc chửi bới, khích bác một cách tiêu cực thì người đó sẽ dễ mất niềm tin vào bản thân , dễ rơi vào trạng thái thất vọng, tự ti, căng thẳn hoặc cô đơn và trầm cảm.
Với những người có nhân cách yếu, họ có thể sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi những lời bình phẩm của cư dân mạng. Những làn sóng chỉ trích có thể làm cho một người bị rối loạn tâm lý, rơi vào trầm cảm hoặc nổi giận, bỏ bê công việc và cuộc sống gia đình.
Để vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này, nạn nhân bị “ném đá” cần ghi nhớ những điều sau:
1) Trong thế giới đa chiều và đầy biến động như hiện nay, hãy làm quen với các quan điểm, chính kiến, chỉ trích khác nhau. Hãy bình tĩnh trước mọi lời chỉ trích, vì người chỉ trích sẽ càng phấn khích, chiến thắng khi họ biết bạn đang bị hoặc đang quan tâm tới những chỉ trích của họ.
2) Đừng quan tâm tới các lời chỉ trích, bình luận vì rốt cuộc rồi nó cũng sẽ tự hết.
3) Hãy tìm đến những người thân và những người ủng hộ bạn. Rất nhiều người tốt sẽ hiểu và cảm thông với bạn.
4) Nếu có cơ hội hoặc có đầy đủ chứng cứ, hãy bình tĩnh để các chứng cứ và thực tế chứng minh đúng hay sai. Bạn nên nhớ “mọi lý thuyết đều là màu xám chỉ có cây đời mãi xanh tươi”.
5) Hãy vui vẻ tiếp nhận mọi lời bình phẩm, chỉ trích vì dù sao thì đó cũng là sự quan tâm của cư dân mạng.
6) Hãy để cơ thể của bạn được nghỉ ngơi (bằng cách tránh tiếp cận với internet một thời gian) và giải tỏa mọi căng thẳng thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao. Nếu buồn khóc hãy khóc, nếu tức giận hãy tìm cách giải tỏa cơn giận một cách khôn ngoan, và nếu có cảm giác cô đơn, thất vọng hãy tìm đến những người thân để chia sẻ… Bằng cách đó, bạn sẽ lấy lại niềm tin và nghị lực để đối phó với mọi áp lức từ cư dân mạng.

Đọc thêm