6 năm khởi tố… 1 vụ thực phẩm bẩn, bao giờ dân yên tâm với thực phẩm sạch?

(PLO) - Mặc dù khung pháp luật liên quan đến xử lý thực phẩm bẩn cơ bản đã hoàn thiện nhưng các cơ quan chức năng vẫn loay hoay trong thực thi…
Theo cơ quan quản lý nhà nước, do có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên việc kiểm soát rất khó khăn. Ảnh minh họa
Theo cơ quan quản lý nhà nước, do có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên việc kiểm soát rất khó khăn. Ảnh minh họa

Khoảng cách từ nhận thức đến hành vi

Đánh giá thực trạng thực phẩm bẩn, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả, ông Hồ Quang Thái  đã dùng từ “bức xúc”, nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào. “Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường…” - ông Thái khẳng định.

Ông dẫn chứng trường hợp kiểm tra một DN mỹ phẩm ở TP HCM. Quy chuẩn DN tự công bố và được Sở Y tế TP HCM cấp chứng nhận nhưng khi kiểm tra đột xuất thì tất cả các sản phẩm đều vi phạm, một loại máy mà sản xuất ra được 38 sản phẩm khác nhau, vệ sinh môi trường không đảm bảo… “Do vậy, người dân đang mong chờ cơ chế giám sát từ phía cơ quan quản lý, đồng thời cần phải rạch ròi các cơ sở sản xuất kinh doanh” – ông Thái nói.

Ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ chia sẻ câu chuyện của người bạn khi về quê dừng xe mua đu đủ, nhưng khi đi một quãng đường dài để về nhà thì bà cụ bán hàng đã chạy theo để đòi lại vì quả đu đủ đã được tiêm thuốc. “Người bạn đó đã hỏi tôi một câu hỏi “Tại sao một bà cụ già như vậy, nông dân chất phác lại làm việc vô tâm như vậy?” - ông Cường chia sẻ.

Đồng tình về việc truyền thông nâng cao ý thức người sản xuất, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận khách quan là ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng đã được tăng lên rất nhiều. “Việc bà bán hàng chạy đòi lại quả đu đủ đã bán chứng tỏ bà này đã nhận thức được tác hại của thực phẩm bẩn. Nhưng từ nhận thức sang hành vi cần một quãng thời gian dài tại Việt Nam hiện nay. Người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về ATTP nhưng chính người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình…” - bà Nga bày tỏ quan điểm…

Rối bời những nguyên nhân

“Không biết lực lượng giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn là bao nhiêu người bởi vấn nạn thực phẩm bẩn hiện rất tràn lan, số lượng người tiêu dùng lớn, sản lượng thực phẩm cũng rất lớn và sản phẩm bẩn đi vào chính gia đình mình, bản thân chúng ta cũng đang phải dùng hàng ngày…” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Nấm Việt lo ngại.

Theo DN này, trong cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nguồn bẩn xuất phát từ đâu thì phải trị từ đó. “Về hóa chất, cơ quan quản lý nhà nước đã biết nhưng vấn đề là bao giờ làm khi hiện nay, ra chợ rất sẵn hóa chất như hương liệu, chất tăng trưởng,…” - ông Quỳnh dẫn chứng.

DN này cũng đứng trước khó khăn là sản phẩm của mình bị hàng Trung Quốc trà trộn. “Vấn đề thu thập bằng chứng chứng minh đơn vị khác có trà trộn hàng có thể làm nhưng có cái khó là phải thu thập được sản phẩm tại thời điểm bắt được.  Mong cơ quan quản lý siết chặt đầu vào và cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với nhau để xử lý” – ông Quỳnh nói. 

Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, khi nói đến thực trạng ATTP chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nói tới ATTP phải nói tới chuỗi thực phẩm vì nó tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng…

“Chúng ta cần phải truy xuất rõ nguồn gốc mới chống được thực phẩm bẩn. Đây sẽ là cơ sở để phát hiện thực phẩm này xuất xứ từ đâu. Từ đó người sản xuất mới gắn được trách nhiệm của họ vào việc sản xuất”-  ông Nguyễn Văn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ đề nghị.

Theo ông Cường, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ cũng có nhiều vấn đề mà câu chuyện giải cứu nông sản là một ví dụ. Từ câu chuyện này đã dẫn đến việc người dân không gắn bó, không xây dựng thương hiệu và nảy sinh tâm lý ngắn hạn, tìm cách tối đa hóa lợi ích dẫn đến lạm dụng hóa chất làm nguyên liệu gây hại tới sức khỏe.

“Có nhiều con số đáng nghi ngại về việc nhập hóa chất, nhất là những hóa chất có hại. Tại nước ta, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề, từ đó người nông dân sẽ lạm dụng việc sử dụng hóa chất. Nếu quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất thì người nông dân sẽ giảm bớt điều đó” – ông Cường khẳng định.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế thừa nhận việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. “Bởi muốn làm được thì ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất và thu hồi được. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó khăn...” - bà Nga dẫn giải.

Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả, ông Hồ Quang Thái cũng cho rằng không dễ để có căn cứ xác định hàng giả, chẳng thế mà 6 năm vừa rồi mới chỉ khởi tố được một vụ về ATTP. Theo ông, muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của DN thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh…

“Hiện có 5 luật, 3 nghị định, 3 thông tư liên tịch và hàng chục thông tư liên quan khác đến việc xử lý thực phẩm bẩn. Mới đây, Nghị định 178 đã ban hành quy định rõ mức phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm. Pháp luật cơ bản đã hoàn thiện, nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng dường như chưa chặt, có tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc năng lực nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp luật chưa được triệt để. Đường dây nóng của Nghệ An cả 1 năm trời mới nhận đc 6 thông tin báo về vệ sinh ATTP ở địa phương…” - ông Thái chia sẻ.

Đọc thêm