60 tác phẩm mỹ thuật đặc biệt tại triển lãm “Dòng thời gian”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Triển lãm Mỹ thuật “Dòng thời gian”.
Triển lãm giới thiệu 9 bức tượng với các chất liệu đa dạng của các nhà điêu khắc nổi tiếng. (Ảnh: TTXVN)
Triển lãm giới thiệu 9 bức tượng với các chất liệu đa dạng của các nhà điêu khắc nổi tiếng. (Ảnh: TTXVN)

Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm mỹ thuật đặc biệt tiêu biểu về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” của 60 tác giả trong và ngoài quân đội, được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng qua các thời kỳ.

Các tác phẩm đa dạng về hình thức, từ điêu khắc, đồ họa đến hội họa, tạo nên bức tranh đa sắc màu giúp công chúng hiểu rõ hơn về hình ảnh người chiến sỹ trong chiến đấu, sinh hoạt, học tập và công tác qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó quân dân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” sinh động dưới góc nhìn của người nghệ sỹ tạo hình.

Sự kiện góp phần tôn vinh những cống hiến sáng tạo thầm lặng của các nghệ sỹ - chiến sỹ văn hóa trong suốt chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc (1945 - 1975) và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cơ hội quảng bá sâu rộng hơn nữa trong lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về hoạt động sáng tác các tác phẩm mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”.

Trọng tâm của trưng bày là 3 tác phẩm của các họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam. Đó là tranh sơn mài “Từ Pác Bó” của họa sỹ Lê Quốc Lộc, được sáng tác năm 1985, thể hiện hình ảnh Bác Hồ tại nơi khởi nguồn cách mạng; tranh sơn mài “Những bà mẹ Việt Nam” của họa sỹ Đỗ Xuân Doãn, được sáng tác năm 1979, khắc họa hình tượng người mẹ Việt Nam trong lịch sử dân tộc kiên cường, che chở cho các thế hệ; tượng đồng “Bác Hồ đi chiến dịch” của nhà điêu khắc Minh Đỉnh, được sáng tác năm 1984.

Về hội họa, Triển lãm giới thiệu 43 bức tranh đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và nội dung. Các tác phẩm tập trung phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ý chí quyết tâm giành độc lập và tình đoàn kết quân dân gắn bó, tiêu biểu là: tranh thuốc nước “Biểu diễn văn nghệ trong hầm pháo” của họa sỹ Phạm Thanh Tâm, được sáng tác năm 1955; tranh sơn dầu “Bộ đội và dân công Đông Bắc” do họa sỹ Mai Văn Hiến sáng tác năm 1999; tranh sơn dầu “Nuôi giấu thương binh” do họa sỹ Quang Thọ sáng tác năm 1989…

Về điêu khắc, Triển lãm trưng bày 9 bức tượng với nhiều chất liệu đa dạng của các nhà điêu khắc nổi tiếng như: tượng compozit “Đồng đội” của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo; tượng gỗ “Qua nhà” của Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, họa sỹ thương binh Lê Duy Ứng; tượng đá “Biên cương” của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường; tượng đất nung “Nơi đảo xa” của nghệ sỹ Lưu Thanh Lan…

Về đồ họa, có 8 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm, nổi bật có thể kể đến như: Tranh lụa “Tuần tra” của họa sỹ Nguyễn Trọng Hợp, được sáng tác năm 1964; tranh khắc gỗ “Cuộc biểu tình của nhân dân Tiền Hải” do họa sỹ Đỗ Như Điềm sáng tác năm 2009…

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 29/8 đến hết tháng 9/2023, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.