600.000 trẻ em " ra đường" vì chiến tranh, tham nhũng

 Hiện ở Afghanistan có ít nhất 600.000 trẻ em đường phố - một con số khổng lồ nhưng chưa hề có dấu hiệu cho thấy sẽ giảm dần. Các chuyên gia cho biết, vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn vì chiến tranh và tham nhũng vẫn tiếp tục “ăn mòn” đất nước Afghanistan, bất chấp hơn 35 tỉ USD mà các nhà tài trợ nước ngoài đã đổ vào đây kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ năm 2001...

Hiện ở Afghanistan có ít nhất 600.000 trẻ em đường phố - một con số khổng lồ nhưng chưa hề có dấu hiệu cho thấy sẽ giảm dần. Các chuyên gia cho biết, vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn vì chiến tranh và tham nhũng vẫn tiếp tục “ăn mòn” đất nước Afghanistan, bất chấp hơn 35 tỉ USD mà các nhà tài trợ nước ngoài đã đổ vào đây kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ năm 2001.

Cũng theo các chuyên gia, trẻ em đường phố gặp rất nhiều mối nguy hiểm: từ ma túy đến các cuộc nổi loạn, từ các băng nhóm tội phạm đến lạm dụng tình dục. “Nghèo đói ngày càng trầm trọng tại Afghanistan và trẻ em buộc phải tìm việc làm”, Shafiqa Zaher – một nhà hoạt động xã hội làm việc cho tổ chức nhận tài trợ của Mỹ Aschiana - nhận xét.

Trẻ em Afghanistan
Trẻ em Afghanistan

Zaher thường xuyên dạo trên đường phố và công viên ở Kabul - nơi trẻ em đường phố hay tụ tập - tiếp cận các em để xem các em có muốn được đi học không. “Chúng tôi gặp các em, cho các em biết cái mà chúng tôi làm tại đây và nếu các em muốn thì chúng tôi tới gặp gia đình để nói chuyện với họ”, Saher nói.

Hiện nay, khoảng 7.000 em nhỏ tại các thành phố chính của Afghanistan đang chờ đợi được đến các trường học của Aschiana. Tại những ngôi trường này, thực phẩm và đồ dùng học tập sẽ được tài trợ và một số gia đình được chỉ định làm người bảo lãnh.

Một cuộc nghiên cứu do Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan (AIHRC) tiến hành năm 2008 cho biết, chỉ riêng tại Kabul có khoảng 60.000 trẻ vị thành niên liên quan đến vấn đề lao động trẻ em. Nader Nadery, ủy viên cao cấp của AIHRC, cho rằng, tình trạng này là hậu quả của nhiều thập kỷ xung đột ở Afghanistan.

“Trong ba đến bốn năm vừa qua, chiến tranh đã khiến số người phải di cư tăng lên, đặc biệt từ các khu vực Helmand, Kandahar, Ghazni tới thủ đô Kabul, để tìm kiếm nơi trú ẩn” - Nader Nadery nói.

Trong ba thập kỷ chiến tranh, số dân Afghanistan đã tăng lên gấp đôi, tới hơn 30 triệu người, riêng thủ đô Kabul đã có tới 4 triệu người. “Về mặt lịch sử, Kabul và Afghanistan chưa bao giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng về dân cư mà không có lối thoát. Tất cả đều nghèo, nhưng người nào may mắn thì có được một ngôi nhà”, Nadery nói.

Cũng theo Nadery, tham nhũng – vấn đề đang gây căng thẳng trong quan hệ giữa Karzai và Washington, đồng thời cũng là một chủ đề chính trong các cuộc bầu cử nghị viện vào tháng này – làm cho tình hình trở nên hết sức nghiêm trọng. “Mối quan hệ trực tiếp giữa nghèo đói và tham nhũng luôn thường trực ở đây”, Nadery nói. “Hầu hết các dự án phát triển đều bị tạm dừng hoặc không nghiên cứu các khu vực có nạn tham nhũng hoành hành”, Nadery nói.

Trong khi điều tra hàng chục vụ trên khắp đất nước Afghanistan, nhà nghiên cứu Zainab Rahimy phát hiện thấy nhiều trẻ em đường phố có cha mẹ bị nghiện ma túy, nhiều em phải cầm súng cho Taliban và một thực tế đau lòng là các em thường xuyên bị lạm dụng tình dục.

Nhà nghiên cứu Rahimy kể về một trường hợp mới đây của một em nhỏ 13 tuổi phải làm công việc quét dọn văn phòng hai ngày mỗi tuần, nhưng đã bị ông chủ lạm dụng. Rahimy cho biết: “Rất hiếm khi các vụ lạm dụng tình dục được trình chiếu trên truyền hình. Thường trong số 10 vụ thì chỉ có 1 vụ chúng tôi có thể quay phim được”.

Sau khi bị cưỡng bức, lạm dụng, một số trẻ vị thành nhiên đã tham gia vào lực lượng nổi dậy. “Điều tệ hại nhất là các em nhỏ bị Taliban cưỡng bức lại đi theo Taliban chỉ vì tiền. Các em này thường ở độ tuổi từ 7 đến 18, nhưng đã biết cầm súng và được huấn luyện thường xuyên”, Rahimy cho biết.

Phúc Lợi (Theo Reuters)

Đọc thêm