Lần đầu tiên, Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra 7 yếu tố tác động đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Những thay đổi nhỏ có thể tạo nên những khác biệt to lớn giúp cuộc sống tuyệt vời hơn.
1. Không hút thuốc lá
Người hút lá có nguy cơ cao phát triển các rối loạn chức năng mạn tính, trong đó có xơ vữa động mạch - yếu tố hàng đầu gây bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Và để hạn chế nó thì bạn phải từ bỏ thuốc lá. Bạn có thể tự mình đưa ra một chương trình bỏ thuốc lá phù hợp với mình.
|
Bỏ thuốc lá có thể giúp tim của bạn khỏe mạnh hơn. Ảnh minh họa. |
Nếu có khó khăn bạn có thể tham khảo chương trình bỏ thuốc lá từ các cơ sở y tế. Bố mẹ nên nói với những đứa trẻ của mình về tác hại của thuốc lá. Bởi vì nếu bắt đầu hút thuốc khi tuổi còn nhỏ thì việc từ bỏ thuốc lá là cực kỳ khó khăn khi đến tuổi trưởng thành.
2. Giảm cân
Nếu bạn quá béo, đặc biệt là bạn sở hữu một vòng eo “bánh mì” thì là người có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và đái tháo đường. Để giảm thiểu nguy cơ này bạn cần thực hiện chế độ giảm cân đồng thời với việc giữ không được tăng cân.
Khi bắt đầu kế hoạch giảm cân, điều cốt yếu là bạn phải biết lượng calo mà bạn đưa vào cơ thể. Sau đó bạn phải có các bài tập thể chất với các mức độ tiêu thụ năng lượng khác nhau. Điều quan trọng là cần đảm bảo cân bằng giữa lượng calo của thức ăn đưa vào và năng lượng đốt cháy thông qua tập luyện với mức độ phù hợp với sức khỏe của mình.
3. Luyện tập
Luyện tập thể chất = sống lâu, cuộc sống khỏe mạnh. Luyện tập thể chất giúp hạ huyết áp, tăng HDL - cholesterol có ích trong máu, kiểm soát đường huyết bằng việc cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể, loại bỏ stress và kiểm soát cân nặng của cơ thể.
Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần với bài tập nhẹ nhàng hoặc 75 phút mỗi tuần đối với bài tập nặng. Hoặc có thể kết hợp cả hai. Tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, bơi hoặc đi xe đạp sẽ rất có lợi cho tim mạch.
4. Chế độ ăn
Một chế độ ăn và lối sống đảm bảo sức khỏe là vũ khí lợi hại nhất để chống lại các bệnh tim mạch. Bạn nên ăn một chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác nhưng lượng calo thấp. Rau và hoa quả đáp ứng được với các yêu cầu trên. Ăn nhiều rau và hoa quả giúp bạn kiểm soát được cân nặng và huyết áp.
Ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần vì trong dầu cá có Omega - 3 giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành. Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật. Ăn dưới 300 mg cholesterol và dưới 1500 mg muối mỗi ngày.
5. Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ đơn độc, đáng kể nhất đối với bệnh tim mạch. Không kiểm soát huyết áp thì nó có thể gây tổn thương thậm chí giết chết bạn. Đôi khi người ta gọi nó là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó hầu như không có triệu chứng.
Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng mặc dù huyết áp của bạn là bình thường (huyết áp tối đa dưới 120mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 80mmHg) thì bạn vẫn phải có một mục tiêu phấn đấu đảm bảo sức khỏe và phòng chống tăng huyết áp. Có những biện pháp không cần dùng thuốc như chế độ ăn giảm muối, luyện tập thể chất, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát stress, hạn chế ruợu và thuốc lá.
6. Kiểm soát mỡ máu
Một điều quan trọng là mỗi người cần biết chỉ số Cholesterol máu của mình thông qua xét nghiệm Cholesterol máu. Mức Cholesterol 200 mg/dL hoặc hơn là yếu tố nguy cơ cao và là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Kiểm soát được Cholesterol máu giúp giảm được nguy cơ tim mạch và đột quỵ.
Bạn có thể dùng thuốc, chế độ ăn giảm mỡ, thay đổi lối sống,… nhưng tất cả đều phải tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ.
7. Kiểm soát đường máu
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhận định rằng đái tháo đường là một trong 6 yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được của bệnh tim mạch. Trong thực tế người bị đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người không có đái tháo đường.
Khi phát hiện ra đái tháo đường, bác sĩ sẽ bắt bạn phải thay đổi chế độ ăn thường ngày, kiểm soát cân nặng, có chương trình luyện tập và kiểm tra y tế định kỳ. Cần phải có mối liên hệ mật thiết với người chăm sóc sức khỏe cho bạn nhằm kiểm soát đường máu và các yếu tố nguy cơ khác. Ví dụ huyết áp đối với người đái tháo đường cần duy trì dưới 130/80 mmHg
Nguồn: CAND