Thể hiện nhiều bài hát mang giá trị lịch sử của dân tộc
Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023) tập hợp các loại hình nghệ thuật như: ca, múa nhạc (múa minh họa, chất liệu dân gian đương đại), nghệ thuật truyền thống (nghệ thuật cải lương, nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật Khmer Nam bộ); âm nhạc sân khấu đương đại, nhảy hiện đại, hiệu ứng màn hình Led; nghệ thuật tạo hình, sắp đặt.
Đặc biệt, tại chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục, bài hát đậm đà tình quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc để lại dấu ấn in sâu trong lòng người nghe về miền đất cực Nam Tổ quốc như: tiết mục Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (sáng tác Trần Kiết Tường, biên đạo Bích Ngọc, biểu diễn Nhựt Tân), tiết mục Nắng gió phương Nam (sáng tác Nhất Sinh, dàn dựng Huỳnh Như, biểu diễn tốp ca nam), tiết mục Cà Mau từ thuở sơ khai (thể điệu ngũ đối hạ, tác giả Lâm Tường Vân, biên đạo Bích Ngọc, biểu diễn Quốc Sỹ), tiết mục Bức họa đồng quê (tác giả Văn Phụng, dàn dựng Bích Ngọc, biểu diễn tốp ca nữ).
Đồng thời, trong đó có các tiết mục mang tính hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa và kết tinh sắc màu văn hóa của 54 dân tộc anh em…
|
|
Đại biểu, các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, học sinh, đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến thưởng thức Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “ Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. |
Nội dung những bài hát, tiết mục trong buổi biểu diễn nghệ thuật thể hiện hình ảnh về Bác, về nhân dân miền Nam, thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ và tình cảm của Người đối với miền Nam, cùng với đó là hình ảnh thơ mộng về Cà Mau, hình ảnh trống đồng, những công trình kiến trúc tiêu biểu của quê hương.Ngoài ra, nội dung còn thể hiện các công trình mới, đường phố mới trong tiến trình hội nhập thế giới, một hình ảnh Việt Nam đang phát triển vượt bậc;hình ảnh những ngôi chùa, phum sóc, đồng bào dân tộc Khmer đang sinh hoạt văn hóa văn nghệ;sinh hoạt nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ;hình ảnh những cánh đồng lúa, hình ảnh sinh hoạt, lao động của nhà nông… với những đặc trưng của vùng sông nước niềm Nam.
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, sức sống lâu bền của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hoá của quê hương, đất nước. Đồng thời, nâng cao hơn nữa niềm tin, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của đất nước, cổ vũ quyết tâm chính trị cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ quán triệt sâu sắc, toàn diện về tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ”.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội
Qua chương trình còn cho thấy, những thành quả đất nước ta đã đạt được trong hàng ngàn năm lịch sử, qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và hành trình hơn 35 năm đổi mới đã cho thấy vào những thời điểm cam go, có ý nghĩa bước ngoặt, văn hóa và con người Việt Nam. Đó luôn là động lực và sức mạnh, giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn trên hành trình dựng xây và phát triển đất nước.Hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là những minh chứng hùng hồn, khẳng định sự nhất quán, sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn đã được Đảng ta vạch ra từ “Đề cương về Văn hoá Việt Nam”.
|
|
Các tiết mục chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “ Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. |
Em Nguyễn Tường Vi (học sinh lớp 11, Trường THPT Cà Mau) bày tỏ: “Em được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật nhất là được nghe những bài hát hát về Bác Hồ, hát về quê hương Cà Mau em rất vui rất tự hào. Đây là dịp tốt em được nghe, được biết, qua đó nhằm ôn lại và nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của đề cương. Có vậy, em mới nhận thức đúng đắn hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để hun đúc ý chí, tinh thần và sức mạnh Việt Nam bền vững muôn đời”.
“Việc xây dựng và nhân lên sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam nói chung khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vai trò của văn hóa với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chính là sức mạnh to lớn, góp phần đưa dân tộc ta vượt qua bao ghềnh thác, sóng gió để cập bến vinh quang, con người Cà Mau nói riêng”, ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Tại Hội nghị văn hóa lần thứ nhất (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, luận điểm ấy đã trở thành nguyên tắc chi phối có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tháng 02/1943, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La(Phúc Yên nay là Hà Nội). Qua 80 năm, những tư tưởng của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển”.