75% tố cáo sai!

Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố mới đây, ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố công bố một con số gây sốc: Có đến 75% số đơn thuộc thẩm quyền Thanh tra thành phố đã giải quyết trong năm 2010 là tố cáo sai! Chỉ có 6,25% tố cáo đúng và 18,75% tố cáo vừa đúng vừa sai! Giải thích về con số này, người đứng đầu ngành Thanh tra thành phố cho rằng “Qua thẩm tra, xác minh thì nội dung các đơn tố cáo đều sai, không chấp hành các quy định của Nhà nước bị xử lý nên chuyển sang tố cáo cán bộ có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành lĩnh vực trên”.

Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố mới đây, ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố công bố một con số gây sốc: Có đến 75% số đơn thuộc thẩm quyền Thanh tra thành phố đã giải quyết trong năm 2010 là tố cáo sai! Chỉ có 6,25% tố cáo đúng và 18,75% tố cáo vừa đúng vừa sai! Giải thích về con số này, người đứng đầu ngành Thanh tra thành phố cho rằng “Qua thẩm tra, xác minh thì nội dung các đơn tố cáo đều sai, không chấp hành các quy định của Nhà nước bị xử lý nên chuyển sang tố cáo cán bộ có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành lĩnh vực trên”.

Qua con số trên, có thể nhìn nhận rằng, mặc dù Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành từ ngày 2-12-1998 (Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-6-2006) nhưng những nội dung của luật này vẫn chưa đi vào cuộc sống, ít nhất là trong đời sống chính trị-xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo của Thanh tra thành phố đưa ra, cũng là vào thời điểm trên bàn nghị sự của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đang thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo. Dự thảo luật này do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, được thảo luận tại kỳ họp này và dự kiến sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2011).

Từ con số 75% tố cáo sai ở trên, cần ngẫm nghĩ về một vấn đề đặt ra và gây tranh cãi trong dự thảo Luật Tố cáo được trình các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Tại khoản 2 Điều 14 của dự thảo Luật quy định nghĩa vụ của người tố cáo: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cố tình tố cáo sai sự thật; bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi cố tình tố cáo sai sự thật của mình gây ra”. Theo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thì “Quy định này nhằm góp phần hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo nhằm xuyên tạc, vu khống, làm giảm uy tín, gây thiệt hại cho người bị tố cáo; xác định người tố cáo phải chịu trách nhiệm về các nội dung tố cáo. Đồng thời, phải có cơ chế để có thể triệu tập người tố cáo phục vụ cho việc xác minh, giải quyết tố cáo, đặc biệt là đối với những người tố cáo là lao động tự do không chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức nào”.

Trên thực tế, vào những thời điểm nhạy cảm, thì việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị, sinh mệnh bản thân của những người liên quan, nhất là những đối tượng bị tố cáo. “Chờ được vạ thì má đã sưng” - Dân gian đúc kết câu thành ngữ này cũng nhằm để chỉ những người bị tố cáo oan, giải được oan thì cũng đã mất mát nhiều-có những thứ mất mát không bao giờ lấy lại hay bù đắp nổi.

Chính vì thế, khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật Tố cáo đã đưa ra quy định: “Người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Cũng theo Ủy ban Pháp luật, thì “Quy định như vậy sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, hạn chế những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội và Nhà nước. Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo”.

Như vậy, có thể nói một cách rõ ràng rằng, việc chấp nhận tố cáo nặc danh là một cách tạo điều kiện cho việc cố tình tố cáo sai. Nếu chấp nhận tố cáo nặc danh, tức là đi ngược lại với quy định tại khoản 2 Điều 14 đã nói ở trên; nghĩa là không truy cứu được trách nhiệm của người cố tình tố cáo sai trước pháp luật. Bởi không có họ tên, địa chỉ thật thì làm sao truy cứu được trách nhiệm? Quy định không chấp nhận đơn thư tố cáo nặc danh, chính là nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật công dân của người tố cáo, thực hiện dân chủ theo đúng khuôn khổ pháp luật trên lĩnh vực này.

Điều đó cũng nhằm góp phần vào việc không để xảy ra tình trạng con số gây sốc trong năm 2010 từ báo cáo của Thanh tra thành phố, để mọi người dân thực hiện dân chủ thực sự trong khuôn khổ của pháp luật ngày càng chuyên nghiệp hơn!

ANH QUÂN

Đọc thêm