Kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhân kỷ niệm 80 năm ngày ra đời bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, ngày 27/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển”, trực tuyến tới 63 điểm cầu ở các địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa

Đến dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa để chúng ta tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị này.

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hoá của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập. Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hoá cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới - nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa; và các nguyên tắc vận động của văn hóa đã được chứng minh là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng của mình và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa. Quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn hóa cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.

Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa vẫn đang tồn tại khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân. Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức.

Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa cải thiện hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Cần tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa

Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, tại Hội thảo này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, quý vị đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề chủ yếu: Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển; Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định rằng đầu tư cho văn hóa một cách khoa học, hợp lý, chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước. "Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền văn hóa mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới", ông Hùng nói.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp chế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa; hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển công cụ đo lường, giám sát việc hoạch định, triển khai chính sách và hiệu quả đầu tư; đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu văn hóa và tăng cường chia sẻ thông tin phối hợp liên ngành, liên khu vực, liên chủ thể…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực vận dụng các nguyên tắc của Đề cương nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam thông qua hệ thống các giải pháp cải thiện khung khổ thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành, bao gồm: hoàn thiện Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.