80% số vụ tai nạn do… người điều khiển phương tiện

(PLO) - Hàng năm, tai nạn giao thông cướp đi tính mạng của hàng nghìn người, gây ra nỗi đau đớn khôn nguôi với mỗi gia đình và xã hội. Thế nhưng ít ai biết nguyên nhân chính của 80% số vụ tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện và người đi bộ... 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tham gia giao thông bằng thói “a dua”
Chính phủ đã từng xác định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “quốc nạn” TNGT, nhưng chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn rất kém; trong khi đó, các cấp ủy đảng lại chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với lĩnh vực công tác này. 
Tuy nhiên, TS.Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho biết, dưới góc độ phân tích tâm lý xã hội, ảnh hưởng của ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đến tình hình TNGT là do nguyên nhân khách quan, xuất phát từ thói quen, hành vi thực hiện theo đám đông,… 
Quan sát tại nhiều ngã tư, một bộ phận người tham gia giao thông luôn trong tình trạng “thà vượt đèn vàng còn hơn chờ đèn đỏ” nên rất phổ biến cảnh bên sắp đèn đỏ và bên chuẩn bị đèn xanh đều tranh thủ vài giây để vượt ngã tư. Và khi có một người vượt đèn thì sẽ có rất nhiều người theo sau. 
Ngành giao thông đã từng có khẩu hiệu “Nhanh một giây, chậm cả đời” để cảnh báo những người luôn có tư tưởng tranh thủ vượt đèn, lạng lách nhằm vượt phương tiện khác, bất chấp hậu quả khi tham gia giao thông, song dường như khẩu hiệu này còn rất xa lạ với nhiều người tham gia giao thông.
Hay như ở các vùng nông thôn, miền núi, đa số những vụ TNGT trên địa bàn xảy ra đều liên quan đến rượu, bia. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, rất nhiều người dân “sẵn ma men sau các bữa tiệc là lao lên xe ra đường” khiến số vụ TNGT và số người chết vì TNGT của tỉnh năm 2014 lọt vào “danh sách đen” 10 địa phương có số người chết vì TNGT tăng trên 10%. Và mới đây nhất, các vụ TNGT liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước vào những ngày cuối tháng 1/2015 được xác định nguyên nhân là do lái xe không kiểm soát được tốc độ, lấn làn, vượt xe khác… 
Phân tích từ thực trạng vi phạm ATGT ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cho thấy rõ vấn đề ý thức tác động mạnh mẽ đến việc tỷ lệ TNGT “leo thang” trước những nỗ lực kiềm chế của các cơ quan chức năng. Mặc dù đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm quản lý và cấm học sinh không đủ tuổi sử dụng xe gắn máy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATGT trong nhà trường nhưng theo số liệu thống kê của Hội Sinh viên Việt Nam, có tới 80% số sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% số sinh viên khi lái xe máy còn sử dụng sai kỹ thuật. Đối với học sinh phổ thông, hầu như 100% không có giấy phép lái xe vì chưa đủ tuổi. Còn thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, độ tuổi lái xe gây TNGT từ 16 - 24 tuổi chiếm tới 34,4%.
 
Ngoài ra, tình trạng vượt đèn đỏ, say rượu bia, chở quá tải... của học sinh, sinh viên trong thời gian qua vẫn luôn ở mức báo động và khó kiểm soát. Học sinh các trường ven quốc lộ thường đi dàn hàng ba, hàng bốn trên đường làm cản trở giao thông. Đối tượng tụ tập, cổ vũ đua xe, tham gia đua xe có độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ cao; tình trạng thanh niên điều khiển xe cơ giới có nồng độ cồn trong máu, hơi thở có chiều hướng tăng cao. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của người có độ tuổi thanh niên làm việc ở các khu công nghiệp, kinh tế tập trung khá phổ biến.
Đồng thuận thì không phải “vừa làm vừa sửa”
Tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm kéo giảm từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí về TNGT tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Như vậy, với sự gia tăng của các vụ TNGT, thậm chí là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xuất phát rất nhiều từ ý thức người tham gia giao thông, việc nâng cao ý thức tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông của người tham gia giao thông nên là giải pháp ưu tiên, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, luật lệ ATGT và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và về pháp luật ATGT nói riêng đã được tiến hành thường xuyên, nhiều hình thức, đối với nhiều đối tượng khác nhau nhằm xây dựng ý thức tham gia giao thông an toàn cho xã hội. Một trong số các hoạt động này có nội dung là học trong cộng đồng với mục tiêu “xây dựng một xã hội giao thông đầy tình người và không có TNGT” và mọi người nỗ lực hướng đến hoàn thành mục tiêu này thông qua áp dụng những gì học trong giáo trình trên lớp vào các hành động thực tế hàng ngày. Nhưng “để những hành động này trở thành thói quen, cần phải học đi học lại nhiều lần” – TS.Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh. 
Song có những ý kiến cho rằng, sự chấp hành luật lệ giao thông phụ thuộc vào sự đồng thuận của chính cộng đồng xã hội trước một chính sách, chủ trương của Nhà nước liên quan đến việc tổ chức giao thông như việc phân làn giao thông, chủ trương cấm các phương tiện cá nhân lưu thông để giảm ùn tắc giao thông… đã được “áp đặt” cho người tham gia giao thông mà không tuyên truyền, công bố các nghiên cứu, bằng chứng khoa học cho các vấn đề này. Và thực tế cho thấy, các chủ trương đó khó đạt được sự đồng tình của người dân và người tham gia giao thông vẫn tìm mọi cơ hội để “bỏ qua” các qui định về giao thông mà họ cho rằng “phi lý”.
Do đó, các chuyên gia xã hội học lưu ý, đối với những hoạt động đã thực hiện trong công tác đảm bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông như xây dựng cầu đường, chuyển làn giao thông ở các nút giao cắt… cần phải có nghiên cứu điều tra dư luận nhằm tìm hiểu thái độ của người dân về những vấn đề này. Bên cạnh đó, đối với những chính sách, phương án giao thông trước khi xây dựng và triển khai (như: xe chính chủ, mở rộng đường, hạn chế các phương tiện giao thông lưu thông…) nên điều tra để đảm bảo sự đồng thuận của người dân và có những phương án thay đổi phù hợp tránh tình trạng “vừa làm vừa sửa”.
Cũng theo TS.Trịnh Hòa Bình, cần khảo sát hiện trạng, đánh giá toàn diện các yếu tố kinh tế - xã hội, so sánh nhiều phương án để chọn đề án thiết kế tối ưu, không mở rộng đường quá rộng gây lãng phí vốn đền bù, di chuyển quá nhiều dân, gây biến động lớn về đời sống – dân sinh, tôn trọng cảnh quan thiên nhiên độc đáo, bảo tồn kiến trúc dân tộc truyền thống và các di tích lịch sử giá trị cao ở những khu vực mở rộng hoặc làm mới đường giao thông…/.

Đọc thêm