Theo thông tư, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 giảm còn 33.100 đồng, giá hiện nay 39.000 đồng. Giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 đồng thay vì 35.000 đồng hiện nay. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.
Giá nằm giường bệnh được điều chỉnh tăng tại các bệnh viện hạng đặc biệt và giảm ở các bệnh viện còn lại và thấp hơn so với mức đề xuất. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 687.100 đồng song thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng. Giá hiện áp dụng cho dịch vụ này là 677.100 đồng.
Tại bệnh viện hạng 1, giá giường nằm giảm từ 632.200 đồng còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng.
Người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp, sẽ trả 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.
Một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm giá. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày giảm mạnh từ hơn 4 triệu xuống còn 2,8 triệu đồng.
Thông tư cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng. Mỗi bàn khám không quá 65 lượt bệnh nhân một ngày, vượt quá số này bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán 50% giá. Trong tối đa một quý, nếu vẫn còn tình trạng này thì bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/7. Việc điều chỉnh giá lần này không ảnh hưởng đến người nghèo, cận nghèo song sẽ tác động đến nguồn thu của các cơ sở y tế. Về lâu dài 18.000 dịch vụ y tế hiện nay sẽ rút gọn còn khoảng 3.000-4.000 nhóm dịch vụ; đồng thời có lộ trình đưa tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao vào cơ cấu giá.
* Liên quan lĩnh vực y tế, theo một báo cáo mới được công bố, Việt Nam đứng thứ 104 trên bảng xếp hạng 195 nước.
Được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates, hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã cùng làm việc để đưa ra bảng xếp hạng hệ thống chăm sóc sức khỏe của 195 quốc gia.
Nhóm tác giả cho biết đã tính toán chỉ số tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe (HAQ) từ 0 đến 100 dựa trên tỷ lệ tử vong do 32 nguyên nhân phòng tránh được như bệnh đã có văcxin, bệnh tim mạch, ung thư từ năm 1990 đến 2016.
Kết quả cho thấy Iceland sở hữu nền y tế tốt nhất hành tinh với điểm HAQ 97 còn Cộng hòa Trung Phi có nền y tế tệ nhất với điểm HAQ 19. Việt Nam xếp thứ 104 với điểm HAQ 60, thua một số nước như Peru, Venezuela, Syria, Iran và đứng trên Ai Cập, Triều Tiên, Bhutan.
Nhìn chung, từ năm 2000 đến 2016, chỉ số HAQ toàn cầu có xu hướng tăng, đặc biệt ở khu vực châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á. 48 quốc gia gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Nepal được đánh giá phát triển tốt. Ngược lại, không ít quốc gia thể hiện sự tụt lùi.
Các nhà khoa học nhận định không có nguyên nhân đơn lẻ nào dẫn đến hiện trạng trên mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phụ thuộc rất nhiều yếu tố như dân số và mức độ phân bổ, chính sách và cách quản lý của chính phủ, niềm tin vào hệ thống y tế, bất bình đẳng kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng chỉ ra chất lượng dịch vụ y tế của các tỉnh thành thuộc cùng một quốc gia chưa chắc đã giống nhau. Ví dụ, ở Trung Quốc, điểm HAQ ở Bắc Kinh là 91,5 nhưng Tây Tạng chỉ đạt 48. Ngược lại, tại Nhật Bản, dao động giữa chỉ số HAQ cao nhất và thấp nhất chưa tới 5 đơn vị.