Sau những chuyến du lịch, công tác hoặc du học ra nước ngoài kéo dài 3-6 tháng, đôi khi là vài năm, hầu như ai về cũng đều có những thay đổi như dưới đây.
Trực giác trở nên sắc bén
Nơi đất khách quê người, ý niệm về việc học hỏi cái mới và chịu trách nhiệm với mọi tình huống sắp xảy đến khiến trực giác bạn trở nên sắc bén hơn. Không giống ngày thường, các thói quen sinh hoạt cũ của bạn tạm thời bị cho vào quên lãng và thay bằng những suy nghĩ, thử thách mới.
|
Cuộc sống xa nhà và phải chuẩn bị tâm lý cho nhiều tình huống có thể xảy ra khiến trực giác bạn trở nên nhạy bén hơn hẳn. Ảnh: Nick M |
Bắt đầu nói nhiều ngoại ngữ một lúc
Ở nước ngoài quá lâu, tới một thời điểm nào đó, bạn cũng dần hình thành phản xạ về ngôn ngữ với những người bản địa. Mỗi khi giao tiếp với họ trong đời sống hàng ngày là một lần bạn lại tiếp thu, học tập cũng như rèn luyện ngôn ngữ mới. Theo năm tháng và những vùng miền đã qua, vốn ngoại ngữ cũng dần tăng và trở nên tự nhiên khi giao tiếp.
Trở nên kiên nhẫn trong nhiều tình huống
Ra nước ngoài, đôi khi những công việc đơn giản như tìm tuyến xe buýt hay diễn tả chính xác ý muốn trong đầu lại là thử thách lớn với bạn. Nhiều người sẽ nhận thấy bản thân ngày một kiên nhẫn để học hỏi cái mới và bớt ngại ngùng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Cảm thấy bình thường với mọi lời khen
Trước đây, gặp bất cứ ai phiêu bạt hàng năm trời khắp bốn phương, bạn thường thấy ngưỡng mộ. Tuy vậy, khi trở thành một trong số họ, nhiều người bỗng nhận thấy những lời khen hay sự ngưỡng mộ hóa ra lại chỉ là yếu tố nhỏ bé.
Sau khi vượt qua hành trình dài, chúng chỉ còn có tác dụng 10% trong mỗi quyết định của bạn. Toàn bộ phần còn lại được tạo bởi chính bạn và những đam mê tự trỗi dậy trong lòng.
|
Sau khi đặt chân tới nhiều miền đất mới, bạn trở nên điềm tĩnh và cảm thấy mọi lời khen, tán dương về hành trình chỉ là yếu tố nhỏ bé. |
Quý giá mọi giây phút với người thân
Ở phương xa, ngay cả một dòng email ngắn ngủi hay những tấm ảnh cập nhật trên mạng xã hội về tình hình người thân trong gia đình cũng làm bạn xúc động sâu sắc. Nghĩ về những bữa tiệc sinh nhật không có mình trong đó hay một số người thậm chí còn chưa kịp nói lời tạm biệt trước lúc xa nhà…, bạn bỗng muốn được quay ngược thời gian trong phút chốc và làm mọi điều tốt đẹp cho họ.
Học cách đấu tranh với nỗi nhớ nhà
Dù đến bất cứ nơi đâu đầy ắp nụ cười, niềm vui, sẽ có lúc bạn nghĩ về gia đình và cảm thấy nhớ da diết. Mỗi lần như vậy, bạn lại phải học cách xoa dịu bản thân và tiếp tục hành trình, hoặc chia sẻ nỗi nhớ nhà với người đồng hành.
|
Mỗi khi xem ảnh gia đình và đang ở nơi nào đó xa xôi, bạn sẽ có cảm giác nhớ người thân da diết. Ảnh: Youthvillage.co.za |
"Nhà" chính là vali
Trong điều kiện thường xuyên di chuyển hay nơi ở không cố định, chiếc vali bỗng trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn với đầy đủ mọi thứ, từ quần áo, phụ kiện cho tới một loạt thứ lỉnh kỉnh khác. Mỗi khi mở vali, bạn bỗng thấy nhiều kỷ niệm in đậm trong từng món hành lý và luôn cảm thấy ấm áp khi bên chúng.
Khó khăn trong việc diễn đạt tiếng mẹ đẻ
Một số lữ khách cũng như du học sinh sống một thời gian dài ở nước ngoài, khi mới trở về thỉnh thoảng gặp vấn đề với chuyện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong các cuộc trò chuyện với bạn bè, đôi khi phải mất một lúc họ mới kịp nghĩ ra từ ngữ muốn diễn đạt hay cần thêm thời gian để cập nhật những từ "lóng" mới xuất hiện.
Trở thành du khách ở chính quê nhà
Kết thúc chuyến đi, bạn trở về và nhận ra đã nhiều năm trôi qua với vô số thứ thay đổi. Bước ra phố, từng chi tiết trước mắt vừa thân quen nhưng cũng rất mực xa lạ. Chẳng hạn, những công trình, con đường mới bất ngờ mọc lên hay những ngôi nhà khi xưa đã bị dỡ bỏ. Tận hưởng cảm giác khám phá thành phố của chính mình sau nhiều năm đi xa cũng là trải nghiệm thú vị với nhiều người.