Đến nay đã có 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, 80% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm (ATTP).
Hệ thống quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản của tỉnh đảm bảo tính chuyên trách từ tỉnh đến xã. Tỷ lệ cơ sở thu mua, chế biến nông sản, thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến GMP, HACCP, ISO 22000 đạt trên 90%.
Các địa phương đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung, chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ trong truy xuất, quảng bá sản phẩm.
Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh được nâng cao, chuyển mạnh từ sản xuất sản lượng sang chất lượng; công nghiệp chế biến nông sản từng bước được hình thành và phát triển, nhiều sản phẩm được chế biến phục vụ xuất khẩu mang lại giá trị, lợi nhuận cao như: ngao, khoai tây, muối.
Công tác quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP thực phẩm, nông, lâm, thủy sản của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá cao, liên tục từ năm 2017 đến nay được xếp trong tốp đầu của cả nước.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, điều hành tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đối với việc bảo đảm chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản.
Triển khai đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng ATTP trong tình hình mới. Tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quy định.
Tích cực triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về bảo đảm chất lượng ATTP. Hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.
Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nam Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan nhấn mạnh: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mà tiên phong là hơn 40 thành viên của Hiệp Hội nông sản sạch của tỉnh cần đồng hành với các cơ quan quản lý Nhà nước để xác định việc sản xuất nông, thủy sản bảo đảm chất lượng, ATTP vừa là phương châm, vừa là phương thức, vừa là mục tiêu định hướng để doanh nghiệp, HTX tồn tại trong thời điểm hiện nay. Từ đó lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, tiêu dùng trong việc quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm xã hội của người dân về các lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý chất lượng, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản hiện nay, tạo dựng nền tảng xã hội tốt, góp phần nâng cao thể chất và trí lực của người dân.