Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất đã kết thúc bằng việc các Bộ trưởng ký Tuyên bố chung, khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chào mừng hội nghị. |
Chiều 12-10, sau phiên họp chính thức của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM +), 18 vị Bộ trưởng Quốc phòng của 10 quốc gia ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại đã ký Tuyên bố chung và tham dự buổi họp báo quốc tế, thông báo về kết quả Hội nghị quan trọng này.
Sau Lễ ký, Tuyên bố chung Hà Nội của ADMM+ lần thứ nhất đã được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất trân trọng trao lại cho Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.
Diễn văn bế mạc do Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày khẳng định, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đã đề ra với kết quả đạt như mong đợi và kết thúc thành công. Ở hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm hợp tác quốc phòng-an ninh chiến lược vì hòa bình và phát triển trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng đã chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh khu vực và thế giới; thông báo cho nhau về chính sách quốc phòng của quốc gia mình.
Các Bộ trưởng đều thống nhất nhận thức chung là giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)… Phía Việt Nam cũng đề xuất các quốc gia liên quan nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC)...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh
|
Đồng thời, cùng với các cuộc tiếp xúc song phương, cho thấy ADMM+ thực sự là diễn đàn hợp tác chiến lược, xây dựng nhận thức chung, tạo dựng lòng tin, tăng cường quan hệ cả song phương và đa phương. Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác quốc phòng thiết thực trong khuôn khổ ADMM mở rộng và đã đạt được sự đồng thuận về việc xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác ban đầu gồm năm lĩnh vực hợp tác là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố, quân y, an ninh biển và hoạt động gìn giữ hòa bình.
Hội nghị cũng thống nhất giao cho Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhóm làm việc quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+WG) vào tháng 12 tới để triển khai quyết định của các Bộ trưởng, duy trì động lực của tiến trình ADMM+.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, thay mặt Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng của tám nước Đối tác, đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất cho biết cả năm nội dung được đưa ra tại Hội nghị đều nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các Bộ trưởng.
Để triển khai các lĩnh vực hợp tác đã xác định, các Bộ trưởng cũng thống nhất giao cho các quan chức quốc phòng Cấp cao ASEAN mở rộng thành lập các nhóm chuyên gia để xây dựng các chương trình, nội dung, biện pháp hợp tác cụ thể.
Bộ trưởng Phùng Quanh Thanh cũng cho biết đã có một số nước đưa ra đề xuất cụ thể như Trung Quốc và Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Nhóm Chuyên gia về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Australia và Malaysia chủ trì tổ chức Nhóm Chuyên gia về An ninh biển; Hoa Kỳ đề xuất tổ chức Đối thoại An ninh biển và phối hợp tuần tra chung chống cướp biển.
|
Quang cảnh phiên khai mạc hội nghị ̣Ảnh: Báo điện tử ĐCSVNĐ |
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất cho biết nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của ADMM + lần thứ nhất. Trong quá trình thảo luận của các Bộ trưởng về chính sách an ninh của mỗi quốc gia cũng như những mối quan tâm về an ninh khu vực cũng đã có một số Bộ trưởng đề cập đến vấn đề an ninh trên Biển Đông.
Theo đó, các Bộ trưởng đều thống nhất nhận thức chung là giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)… Phía Việt Nam cũng đề xuất các quốc gia liên quan nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất đã thực sự mở ra một cơ chế đối thoại chính thức và hợp tác cấp cao nhất (cấp Bộ trưởng) về quốc phòng và an ninh giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
|
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh chủ trì họp báo về |
Sáng 12-10, trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức là sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, đánh dấu một bước phát triển mới của ASEAN.
ADMM+ cũng khẳng định tính chất mở trong các cơ chế của ASEAN, phản ánh chủ trương nhất quán của ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN và giải quyết những thách thức chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ADMM+ diễn ra trong xu thế hòa bình, hợp tác phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, các nước cần tăng cường đối thoại và hợp tác để tạo dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tích cực xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực và quy tắc ứng xử, đặc biệt là tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời chúng ta cần tiếp tục tôn trọng và phát huy các công cụ bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), Công ước ASEAN về chống khủng bố và các Tuyên bố chung giữa ASEAN với các đối tác...
Các Trưởng đoàn dự Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất 1.Việt Nam: Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; 2. Brunei: Ngài Hj Mustapa Sirat, Thứ trưởng Quốc phòng; 3. Campuchia: Đại tướng Tea Banh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; 4. Indonesia: Ngài Purnomo Yusgiantoro, Bộ trưởng Quốc phòng; 5. Lào: Thượng tướng Doungchay Phichit, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; 6. Malaysia: Ngài Dato’ Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi, Bộ trưởng Quốc phòng; 7. Myamar: Ngài U Khin Maung Soe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam; 8. Philippines: Ngài Voltaire T Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng; 9. Singapore: Ngài Tiêu Chí Hiền – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng; 10. Thái Lan: Đại tướng Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Quốc phòng; 11. Ban Thư ký: Ngài Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN; 12. Ấn Độ: Ngài Shri AK Antony, Bộ trưởng Quốc phòng; 13. Australia: Ngài Stephen Smith-MP, Bộ trưởng Quốc phòng; 14. Hàn Quốc: Ngài Kim Tae-young, Bộ trưởng Quốc phòng; 15. Nga: Thượng tướng Valery Gerasimov, Phó Tổng Tham mưu trưởng; 16. Nhật Bản: Ngài Toshimi Kitazawa, Bộ trưởng Quốc phòng; 17. New Zealand: Ngài Wayne Mapp, Bộ trưởng Quốc phòng; 18. Mỹ: Ngài Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng; 19. Trung Quốc: Thượng tướng Lương Quang Liệt, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Quốc phòng. |
Theo TTXVN - VOVNews