Afghanistan: chiến lược “mua trọn Taliban bằng tiền”

Anh và Mỹ là hai quốc gia ủng hộ chiến lược mới “mua trọn gói những người ủng hộ Taliban” với 500 triệu USD, nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến kéo dài chín năm qua tại quốc gia Nam Á này.

 Anh và Mỹ là hai quốc gia ủng hộ chiến lược mới “mua trọn gói những người ủng hộ Taliban” với 500 triệu USD, nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến kéo dài chín năm qua tại quốc gia Nam Á này.

Lính Đức dạy lính Afghanistan bắn súng tại doanh trại Đức ở Feyzabad, phía bắc Kabul. Đức vừa quyết định đưa thêm 500 quân đến Afghanistan. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ là sai lầm nếu đặt mốc thời gian rút quân khỏi Afghanistan vì nó sẽ khuyến khích Taliban tăng cường phát triển - Ảnh: Reuters

Lính Đức dạy lính Afghanistan bắn súng tại doanh trại Đức ở Feyzabad, phía bắc Kabul.
Đức vừa quyết định đưa thêm 500 quân đến Afghanistan. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ là sai lầm nếu đặt mốc thời gian rút quân khỏi Afghanistan vì nó sẽ khuyến khích Taliban tăng cường phát triển - Ảnh: Reuters

Theo Business Week, kế hoạch này được đưa ra bàn thảo và có thể được thông qua tại hội nghị quốc tế với khoảng 60 quốc gia tham dự ở London (Anh) ngày 28-1. Sự ủng hộ bất ngờ của phương Tây đối với các cuộc thương lượng hòa đàm với lãnh đạo lực lượng Taliban đang ngày càng tăng cao.

Trước đó, ngày 26-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng ý với đề nghị của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các cựu quan chức từng phục vụ trong chính phủ Taliban trước khi chính phủ này bị Mỹ lật đổ sau cuộc tấn công chiếm đóng năm 2001.

Quỹ “hòa bình và tái hòa nhập” sẽ được dùng để thu hút những thành viên Taliban cấp thấp bằng cách giúp họ đi học, có việc làm hoặc đất đai để canh tác. Những người này được đánh giá là gia nhập Taliban chỉ mong thoát khỏi nghèo đói, chứ không hẳn vì ủng hộ tư tưởng của Taliban. Nếu được ân xá, 75% thành viên của Taliban, trong đó có cả những người từng tham gia các vụ tấn công vào lính Mỹ và Anh, sẽ tái hòa nhập xã hội. Liên Hiệp Quốc đã thực hiện lệnh cấm vận để trừng phạt Taliban vì ủng hộ mạng lưới bị cho là khủng bố của Osama Bin Laden.

Hơn 100 cái tên, trong đó có lãnh tụ tinh thần Mullah Omar của Taliban, có trong danh sách. Các tổ chức nhân quyền chào đón quyết định ân xá của Liên Hiệp Quốc đối với năm cựu thành viên cao cấp của Taliban với sự nghi ngờ sâu sắc. Lệnh ân xá có thể mở đường cho các cuộc thương lượng trực tiếp với các nhân vật cao cấp của phong trào đang ở trong bóng tối hiện nay. Thế nhưng Richard Holbrooke, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan, cho rằng đây là “một bước tiến sâu sắc”.

Tổng thống Karzai cho biết ông sẽ chuẩn bị để Mullah Omar có “đường rút an toàn” nếu nhân vật này đồng ý hạ vũ khí. Ông cũng đang thúc đẩy hội nghị London thêm nhiều cái tên hơn nữa vào danh sách được ân xá. Tướng Stanley McChrystal, chỉ huy lực lượng Mỹ - NATO tại Afghanistan, cho rằng ông có thể hình dung ra tương lai một chính phủ Kabul có thêm các cựu thành viên của Taliban.

Giơ cành ôliu cho lãnh đạo Taliban để đạt được thỏa thuận hòa bình là một chiến lược mà chính phủ Karzai mong muốn. Tuy nhiên, một số quan chức của Mỹ lo ngại các cuộc thương lượng với Taliban có thể được hiểu là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của Mỹ và phương Tây và sự chệch hướng của cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng ông quan tâm tới việc tham khảo tất cả các khả năng.

Trong khi đó, phía Taliban lại cho rằng hội nghị quốc tế ở London sẽ chỉ “lãng phí thời gian”. Nhóm nổi dậy có tên Hội đồng lãnh đạo Taliban nhấn mạnh: “Trước đây đã có những hội nghị tương tự, song không hội nghị nào giải quyết được các vấn đề của Afghanistan. Hội nghị ở London cũng sẽ giống như vậy thôi. Hội nghị này thực chất nhằm mở rộng cuộc xâm lược Afghanistan của các lực lượng chiếm đóng”. Theo nhóm này, “giải pháp duy nhất cho vấn đề Afghanistan là rút ngay lập tức tất cả các lực lượng xâm lược khỏi nước này”.

Theo Reuters, Tổng thống Barack Obama tỏ ra tự tin với thành công của Mỹ trên chiến trường Afghanistan.

Nguồn: Tuổi trẻ Online

Đọc thêm