Afghanistan nổi giận vì di lý nghi phạm thảm sát

Giới chức Afghanistan hôm qua (15/3) đã tỏ ra vô cùng tức giận về quyết định của Mỹ khi đưa nghi phạm xả súng giết hại 16 thường dân Afghanistan sang Kuwait. Kabul tuyên bố sẽ chỉ tính đến việc ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Washington khi nghi phạm này bị đưa ra xét xử tại Afghanistan.

 Giới chức Afghanistan hôm qua (15/3) đã tỏ ra vô cùng tức giận về quyết định của Mỹ khi đưa nghi phạm xả súng giết hại 16 thường dân Afghanistan sang Kuwait. Kabul tuyên bố sẽ chỉ tính đến việc ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Washington khi nghi phạm này bị đưa ra xét xử tại Afghanistan. 

Người biểu tình Afghnistan đốt hình nộm Tổng thống Obama. Ảnh: AFP

Trung tướng Curtis Scaparotti – phó chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Afghanistan – hôm qua nói rằng, Mỹ đã di lý binh sỹ bị cáo buộc bắn chết 16 dân thường tại 3 ngôi làng thuộc tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan sang tạm giam tại Kuwait.

Theo vị trung tướng, việc đưa binh sỹ này ra khỏi Afghanistan là dựa trên “những kiến nghị về pháp lý” để người này được tiếp cận với đại diện pháp lý, được đảm bảo xét xử công bằng và đúng các thủ tục tố tụng tư pháp. Giới chức Mỹ cũng khẳng định việc đưa nghi phạm này ra khỏi Afghanistan không có nghĩa là anh ta sẽ không bị xét xử tại Afghanistan.

Tuy nhiên, động thái này đã khiến giới chức Afghanistan vô cùng tức giận. “Gia đình những người đã thiệt mạng trong vụ việc, người dân Kandahar và tất cả người dân Afghanistan muốn xét xử công khai nghi phạm này ở trên lãnh thổ Afghanistan” - Mohammad Naeem Lalai Hamidzai – một quan chức của tỉnh Kandahar đồng thời cũng là một thành viên trong ủy ban điều tra của quốc hội Afghanistan về vụ xả súng nói.

Abdul Khaliq Balakarzai – một quan chức khác của tỉnh Kandahar - thì thúc giục Tổng thống Hamid Karzai phản đối quyết định di lý của Mỹ bằng cách từ chối ký thỏa thuận chiến lược với Washington. “Nếu phiên tòa diễn ra ở Afghanistan, người dân có thể thấy rằng nước Mỹ không giống như nghi phạm đó và cũng muốn trừng phạt anh ta.

Tuy nhiên, thật buồn là Mỹ lại phớt lờ yêu cầu của chúng ta” – ông Balakarzai cứng rắn. Haji Abdul Ghani – một bô lão sống gần địa điểm xảy ra vụ thảm sát thì cảnh báo động thái trên của Mỹ có thể sẽ “kích động người dân và làm gia tăng thái độ thù hằn giữa Afghanistan và Mỹ”.

Khoảng 2.000 người dân tại thị trấn Qalat, tỉnh Zabul – tỉnh giáp ranh với Kandahar - hôm qua (15/3) cũng đã xuống đường biểu tình phản đối vụ thảm sát và những động thái từ phía Mỹ.

Người phát ngôn cảnh sát khu vực Hekmatullah Kochai cho biết, những người biểu tình mang theo cờ trắng và hô vang những khẩu hiệu chống Mỹ, đồng thời yêu cầu nhà chức trách tiến hành một phiên xử công khai đối với nghi phạm thực hiện vụ xả súng – được xác định là một trung sỹ quân đội Mỹ, 38 tuổi.

Và trong khi những tranh cãi về việc di lý nghi phạm đang diễn ra gay gắt thì ông Seyed Ishaq Gilani – người đứng đầu ủy ban điều tra vụ thảm sát của Afghistan - hôm qua lại cho biết, sau khi xem xét các tình huống, gặp gỡ nhân chứng và người dân địa phương, uỷ ban này cho rằng tội ác trên không phải do một binh sĩ Mỹ gây ra mà có tới 20 binh sĩ.

Bộ trưởng Panetta bị ám sát hụt

Giới chức Mỹ đã bày tỏ sự kinh hoàng và đau buồn trước thảm kịch ngày 11/3 đồng thời hứa hẹn tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 14/3 đã bất ngờ đến thăm Afghanistan hòng xoa dịu những căng thẳng về mặt quân sự giữa 2 nước.

Nhưng ông Panetta được cho là đã thoát chết trong gang tấc khi suýt bị một người đàn ông bản địa ám sát tại căn cứ quân sự Bastion của Anh ở Afghanistan. Một nghi phạm khủng bố sau khi cải trang thành nhân viên tại căn cứ quân sự đã đánh cắp một chiếc xe tải, vượt qua hàng rào an ninh và lao thẳng về phía đường băng - nơi chiếc máy bay chở ông Panetta sắp hạ cánh.

Khói từ đám cháy ngùn ngụt phía sau xe đã khiến kẻ tình nghi bị che khuất tầm nhìn, lái chiếc xe đi chệch mục tiêu, lao xuống rãnh và tiếp tục bốc cháy. Máy bay của Bộ trưởng Panetta sau đó được chuyển hướng tới một khu vực khác của đường băng và hạ cánh an toàn. Đối tượng bị tình nghi thực hiện vụ ám sát đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.

“Vụ việc dường như là một âm mưu tấn công có chủ ý nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Chúng tôi đang tiến hành điều tra vụ việc một cách thận trọng” – một nguồn tin quân sự tại Afghanistan nói.

Một cuộc thăm dò do Reuters thực hiện cho thấy, 40% người Mỹ nói rằng vụ xả súng đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ đối với cuộc chiến tranh. 61% người Mỹ nói rằng Mỹ cần rút hết quân về nước ngay lập tức trong khi tỉ lệ này là 66% ở cuộc thăm dò trước đó.

Minh Tuệ (Theo AFP, AP)

Đọc thêm