Người lớn chịu trách nhiệm chính trong việc để giới trẻ thờ ơ với âm nhạc dân tộc; phải đem âm nhạc vào trường học để các em biết, hiểu, yêu, rồi muốn học, muốn giữ gìn, muốn nghiên cứu, muốn phát huy, GS.TS Trần Văn Khê, pho nhạc sống của Việt Nam, cho biết.
Nhìn ngón tay ông điêu luyện với dây đàn, nghe giọng ông sang sảng với những “xàng, xê, cống, sề”… không ai nghĩ rằng ông đã 90 tuổi. Ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi đó, ông vẫn ngày ngày miệt mài nghiên cứu âm nhạc, nói chuyện âm nhạc, giảng dạy âm nhạc… và mới đây nhất là ra mắt tự truyện Câu chuyện từ trái tim. Với ông, được sống trong không gian âm nhạc mới là sự nghỉ ngơi đích thực.
|
Ở tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn say mê nói chuyện âm nhạc. |
- Giới trẻ bây giờ khá thờ ơ với âm nhạc dân tộc, theo ông là vì đâu? - Đó là hậu quả của một quá trình và nhiều yếu tố. 100 năm bị đô hộ, 30 năm chiến tranh khiến chúng ta mải lo chống giặc ngoại xâm, không ai còn nghĩ đến âm nhạc. Và chính vì bị đô hộ nên người Việt Nam sinh ra tâm lý tự ti, mặc cảm, thấy cái gì của ta cũng thua kém của người Tây. Tôi xem việc đó như một căn bệnh, mà là bệnh nặng. Bên cạnh đó, nếu như một người biểu diễn nhạc dân tộc được trả 50.000 đồng thì một người biểu diễn nhạc Tây được trả 150.000 đồng. Vậy ai lại đi học nhạc dân tộc làm gì? Đó là chưa kể bây giờ những tiếng hát ru cũng đã tắt trên môi các bà mẹ. Bài hát ru là âm nhạc đầu tiên mà đứa trẻ tiếp cận, nó sẽ đi vào tiềm thức của đứa trẻ đó mãi mãi. Trẻ em bây giờ cũng không còn được biết đến những bài đồng dao như ngày xưa. Đâu rồi “ông đi qua bà đi lại, chạm tơ hồng trồng cây bông”? Giờ trẻ em chỉ được hát những bài mà người lớn sáng tác cho chúng, dựa trên tư tưởng của người lớn. Hơn nữa, ngày xưa hát xoan, hát trống quân, hát quan họ vốn là những trò chơi, bài hát đối đáp giữa các thanh niên, giờ nó bị sân khấu hóa, bị biến chất, âm nhạc truyền thống không còn là một nghệ thuật chúng ta phục vụ mà trở thành món hàng trên thị trường mua bán. Những điều kiện lịch sử, kinh tế, tâm lý đó đã làm cho giới trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống Việt Nam.- Nghĩa là nguyên nhân không hề nằm ở giới trẻ? - Không hề. Các buổi âm nhạc chuyên đề của tôi có rất nhiều người trẻ đến nghe rất say mê. Có lần tôi nói về hát bội, một em đã nói với tôi rằng nếu trước đây chỉ cần mở ti vi mà thấy hát bội là em tắt ngay lập tức, nhưng hôm nay em đã bật khóc cùng người nghệ sĩ biểu diễn. Hay như khi tôi giảng giải về nhạc lễ, nhiều em rất thích thú và bất ngờ. Rõ ràng là các em rất say mê khi hiểu, và hiểu là cái mà các em thiếu từ trước đến giờ. Các em không hiểu thì làm sao các em thương?- Để chữa “bệnh” này chúng ta phải bắt đầu từ đâu? - Chúng ta không trị “chứng” mà phải trị “căn”. Trước nhất là phải đem âm nhạc vào trường học, không phải để trẻ em trở thành nhạc sĩ, mà để trẻ em biết âm nhạc của mình là cái gì. Các em phải biết thế nào là âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng, âm nhạc tôn giáo, âm nhạc tín ngưỡng… Chỉ cần biết thôi. Phải biết, phải hiểu thì mới thương, và có thương thì mới muốn học, muốn giữ gìn, muốn nghiên cứu, muốn phát huy. Hiện nay, âm nhạc Việt Nam mới chỉ được lớp trẻ nhìn thấy ở lớp bên ngoài, cái tinh tế, cái chiều sâu thì chưa được nhìn thấy. - Theo ông, trách nhiệm của việc không quan tâm của giới trẻ đối với âm nhạc truyền thống thuộc về ai? - Về người lớn, về những người có trách nhiệm. Chúng ta luôn được kêu gọi hãy trở về nguồn, sáng tác nhạc Việt Nam mang tính chất hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc nhưng hiện đại là gì, đậm đà bản sắc là thế nào, bằng cách nào, với phương tiện nào để trở về nguồn? Chỉ có những khẩu hiệu rất đẹp, nhưng chưa có biện pháp, phương tiện để thực hành khẩu hiệu. Có nhiều chương trình biểu diễn hòa nhạc, soạn nhạc giao hưởng… được cấp kinh phí rất cao, có khi đến vài trăm triệu đồng nhưng âm nhạc dân tộc thì lại gặp sự đắn đo. Tôi từng xin phép tổ chức một tuần lễ liên hoan đàn tranh châu Á, có mời các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến tham dự, biểu diễn miễn phí cho thính giả thưởng thức. Dự án của tôi được cấp lãnh đạo văn hóa chấp thuận, và rồi được cấp cho kinh phí là… 25 triệu đồng. - So với các nước lân cận thì việc gìn giữ văn hóa dân tộc của chúng ta thế nào? Các nước châu Á chú trọng việc giữ gìn và phổ biến văn hóa dân tộc hơn chúng ta nhiều lắm. Rượu sake của Nhật luôn luôn là thứ để tiếp đãi khách ngoại giao đến từ nước khác. Còn chúng ta có bao nhiêu thứ rượu ngon, nào rượu làng Vân, rượu Bàu Đá, rượu Gò Đen… nhưng xuất hiện trên bàn ngoại giao chỉ là rượu vang. Rượu vang của chúng ta làm sao bằng rượu chát của Pháp, Italia, hay Hungary? Hay như dàn nhạc giao hưởng của chúng ta có giỏi đến mấy thì cũng chỉ là thứ hạng thấp so với thế giới. Họ vượt mấy ngàn cây số đến Việt Nam không phải để nghe, để thấy những loại nhạc mà họ có thể thấy khắp nơi trên thế giới.- Xin cám ơn ông!
Theo Võ Hà
Đất Việt
Đất Việt