Ai cũng có miền thân thương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sinh ra ở miền quê Phú Xuyên (Hà Nội), nhà văn Nguyễn Văn Học vừa xuất bản tập ký “Thân thương làng” (NXB Văn học, 2023), với tình yêu tha thiết với những ngôi làng tuyệt diệu.
Ai cũng có miền thân thương

Tập ký “Thân thương làng” gồm 31 bài, chủ yếu viết về những vùng nông thôn, làng văn hóa, làng cổ ở Hà Nội. Ở đó, nhiều nơi còn giữ gìn được những nét đẹp, hàng cổ thụ, giếng cổ, nhà cổ cũng như nhiều giá trị truyền thống. Song cũng không ít nơi đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, làm mai một không ít vẻ đẹp di tích, nếp sống và cả cách ứng xử lâu đời. Nhiều bài viết có sự tìm hiểu, tìm tòi kỹ lưỡng, gặp gỡ những nhân vật đã và đang hết lòng góp nhặt giá trị.

Khi viết về quá trình đô thị hóa, làng lên phố, anh thể hiện sự xót xa: “Trong quá trình đô thị hóa, làng lên phố, cái được thì dễ thấy, nhưng có những cái mất âm thầm khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Ấy là nếp nhà gia phong, mối quan hệ xóm giềng ngày càng nhạt nhòa; rồi tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự đô thị... cũng len lỏi trong mỗi khu dân cư. Thực tiễn này đáng trăn trở biết bao...”.

Với bài “Nghĩ về những chiếc giếng”, tác giả Nguyễn Văn Học đã khảo sát, tìm hiểu rất nhiều vùng quê, trong đó có các xã thuộc huyện Hoài Đức, Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), “gặp” nhiều chiếc giếng để nói về phận giếng, tầm quan trọng của giếng cổ thời xưa và giá trị lưu giữ ký ức trong thời hiện đại. Anh tâm niệm: “Dù đô thị hóa, cuộc sống đổi thay thì hồn giếng vẫn được giữ, được làm trong mát, trở thành những thực thể sống động góp phần tôn bồi văn hóa làng”.

Trong bài “Nức tiếng những làng quả ngọt”, tác giả tìm hiểu và ghi nhận những tấm gương, dù trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội trong những năm qua diễn ra mạnh mẽ, nhưng thật may là ở nhiều làng ven đô chính quyền và người dân vẫn có ý thức giữ gìn những vùng quả ngọt. Trong bài “Vùng đất của nghệ nhân”, tác giả tập trung viết về Thường Tín, được xem là “đất trăm nghề”. Gần như ở xã nào cũng có nghề truyền thống. Có xã kinh tế phát triển nhờ có nhiều nghề.

Ở những nơi đó, có rất nhiều nghệ nhân vẫn hằng ngày cần mẫn gìn giữ, “truyền lửa” tinh hoa cho thế hệ sau. “Mồi lần có dịp về các làng nghề, tôi lại được chứng kiến mạch nguồn truyền thống vẫn không ngừng tuôn chảy, không ngừng tiếp nối”, Nguyễn Văn Học nói. Trong bài “Những làng chèo ven Nhuệ”, tác giả viết về dòng Nhuệ Giang, vốn dĩ là con sông hiền hòa. Ven con sông có nhiều làng nghề, làng cổ và những đội hát chèo truyền thống. Ở những nơi đó, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn tiếp tục truyền dạy lời ca tiếng hát cho thế hệ sau, duy trì hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tôn bồi những giá trị tốt đẹp của Hà Nội.

Ngoài ra, tập ký còn nhiều bài viết tỉ mỉ, giàu chất thực tế: “Người và hoa Mê Linh”, “Trong vòng tay của làng”, “Những ngôi nhà và tấm lòng trong thiên hạ”, “Đâu rồi húng Láng?”, “Thân thương bích họa ngoại thành”…

Đọc hết tập ký “Thân thương làng”, thấy được rất rõ những gì làng quê đã giữ được cũng như đã mất đi. Ở một số bài viết, tác giả chua xót nói về sự thu hẹp dải lụa xanh cánh đồng thẳng cánh cò bay, thay vào đó là những khu công nghiệp ngột ngạt, rặng cây xanh bị xóa sổ để mở đường. Khi cây xanh, mảng xanh bị thu hẹp, trẻ em sẽ chịu tác động, bị thiệt thòi, mất dần trò chơi gắn bó với quê, với làng, chú tâm vào điện thoại hay trò chơi điện tử.

Nhà văn Nguyễn Văn Học đã có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, như “Hoa thở”, “Bếp lửa chiều cuối năm”, “Hà Nội thênh thang ký ức”, “Chạm tay vào cánh chim trời”. Hà Nội luôn là đề tài thời thượng cho không chỉ nhà văn, nhà thơ mà cả giới văn học, nghệ thuật nói chung. Cảm giác như kho cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Điều đáng nói, trong các tác phẩm của mình, nhà văn đề cao giá trị của mỗi ngôi làng trong dòng chảy xã hội hiện nay.

Nguyễn Văn Học quan niệm: “Sẽ tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có làng quê, một miền thân thương để trở về. Bởi mỗi khi trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” là sà vào sự rộng lượng của quê nhà ân nghĩa. Sẽ thiệt thòi cho chúng ta và nhất là những đứa trẻ, khi cứ phải khép mình trong những căn nhà chật hẹp hay cao ốc vời vợi nơi thành phố. Và có thể, ai cũng có một vùng đất, một miền thân thương của riêng mình”.