Theo Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam là có thật trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới nhưng vì bệnh viện Việt Nam bị cấm thực hiện phẫu thuật chuyển giới nên 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục đều được thực hiện ở nước ngoài. Chỉ tính riêng tại một địa điểm phổ biến ở Thái Lan, trung bình 2 ngày có một khách hàng người Việt Nam chuyển giới toàn bộ cơ thể (183 người/năm); trung bình 1 ngày có 3 người Việt Nam chuyển giới một phần cơ thể (1.095 người/năm).
Tuy nằm trong nhóm quyền nhân thân, nhưng điều luật về chuyển đổi giới tính được đánh giá là rất nhạy cảm và cần thiết phải có sự quy định đầy đủ, chi tiết để việc chuyển đổi giới tính không bị lạm dụng. Hiện nay, Luật Chuyển đổi giới tính đã và đang được Bộ Y tế chấp bút. Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2018. Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, nhất thiết phải có luật chuyên ngành để điều chỉnh vấn đề này với các nguyên tắc của việc chuyển đổi giới tính, ai là người được chuyển đổi giới tính và trình tự việc chuyển đổi giới tính cũng như một loạt các vấn đề khác có liên quan đó như vấn đề về hộ tịch, các quan hệ dân sự đều phải được quy định rõ ràng.
Trả lời báo chí ngay sau khi Quốc hội thông qua BLDS 2015, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định: “Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng để thực thi quyền thì phải chờ luật, tức là việc chuyển đổi giới tính hiện nay vẫn chưa được phép. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện”.
Một vấn đề khác nữa là Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn chưa làm rõ việc chuyển đổi giới tính thì có nhất thiết phải qua phẫu thuật hay không. Nhưng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thì cứ 5 người chuyển giới chỉ 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Dù không có mong muốn hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển giới, nhưng số người còn lại này vẫn muốn được sống với giới tính thực sự của mình và được khai họ tên, hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính đó…
Thiết nghĩ, khi xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, các nhà làm luật cũng nên cân nhắc thực tế này.