Theo ông Lương Thế Huy (Giám đốc chương trình quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), với sự “cởi trói” của Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 về chuyển đổi giới tính, cuộc sống của người chuyển giới nói riêng, gia đình và bạn bè của họ nói chung đã được nhìn nhận đúng đắn hơn vào thực tiễn.
Vấn đề đặt ra là thời điểm nào những quy định này có thể triển khai trong thực tiễn khi chưa có Luật về chuyển đổi giới tính?.
Ghi nhận quyền của nhóm thiểu số
Đề cập đến các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành quy định của BLDS 2015 về quyền nhân thân tại Diễn đàn pháp luật về Bộ luật dân sự 2015 mới đây, TS. Đinh Trung Tụng – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết:
BLDS năm 2015 chỉ quy định các quyền nhân thân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia các quan hệ dân sự và những quyền nhân thân gắn liền với lợi ích tinh thần của cá nhân. Trong đó việc chuyển đổi giới tính (Điều 37) nhằm tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử với người chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ có địa vị pháp lý bình đẳng như cá nhân khác và sự minh bạch trong thực hiện các quyền nhân thân, tài sản trong các quan hệ dân sự.
Quy định tiến bộ này đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng và quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới nói chung, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9/2014 về nhân quyền.
Trước khi chuyển đổi giới tính được ghi nhận trong BLDS 2015, quyền của người chuyển giới không được văn bản pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Do vậy, cộng đồng người chuyển giới thường phải sống trong “bóng tối” và bên lề các quy định pháp luật liên quan đến giới tính, bởi hình thái cơ thể, giấy tờ nhân thân của họ không đồng nhất với giới tính thực sự (sau khi phẫu thuật) nên họ gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục pháp luật và cuộc sống hàng ngày.
Mong mỏi lớn nhất của những người chuyển đổi giới tính là các quy định về chuyển đổi giới tính có các hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho người chuyển giới thực hiện quyền của họ. Ngoài ra, khi các quy định hướng dẫn về chuyển đổi giới tính được ban hành cũng sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro, chi phí tiền bạc, thời gian của những người muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Hiện họ đang phải thực hiện tại các cơ sở y tế ở nước ngoài dù trình độ y tế Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được với mức chi phí rẻ hơn nhiều lần.
Xây dựng Luật
Tuy nhiên, để triển khai được quy định này trong thực tiễn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, xác định lại giới tính...
Đồng thời, để tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính và để những người này được bình đẳng, không bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, về thực hiện, bảo vệ quyền, nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự, tại Quyết định số 243/QĐ-TTg (ngày 05/02/2016) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành BLDS đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính và để trình Chính phủ, trình Quốc hội trong thời gian tới. Nếu Luật được thông qua thì quyền chuyển đổi giới tính của người dân cũng như việc thay đổi họ tên của người chuyển đổi giới tính sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều đó thể hiện được bản chất nhân đạo của pháp luật nước ta cũng như thực hiện cam kết bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Như vậy, “để việc chuyển đổi giới tính được thực thi trên thực tế, cần xây dựng, ban hành Luật chuyển đổi giới tính theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Trong Luật này, cần cụ thể hóa các quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính” – ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh.
Ngay khi thảo luận về quy định này trong BLDS 2015, ông Trần Ngọc Vinh – nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng thấy cần phải nghiên cứu kỹ lại những quy định trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) về vấn đề chuyển giới và dự phòng các tình huống.
Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, chuyển đổi giới tính có đảm bảo về mặt đạo đức của người Việt Nam hay không? Và, nếu cho chuyển giới tính, chúng ta bắt buộc phải sửa đổi lại các Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hình sự…
Đặt tình huống người chuyển giới vi phạm pháp luật, phải áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, thì Luật phải quy định giam đối tượng chuyển giới vào buồng nào? Do vậy, sẽ có một loạt vấn đề kéo theo việc chuyển giới và chưa tính đến việc nòi giống của chúng ta sẽ ra sao đằng sau vấn đề “nhạy cảm” này.
Do đó, cần phải có luật để điều chỉnh và không thả nổi. Tuy nhiên, luật pháp phải quy định rõ việc quản lý những người chuyển giới, để đảm bảo tốt cho xã hội và bảo đảm nhân quyền.