Ai lên xứ Lạng cùng anh?

(PLO) - Xứ Lạng (Lạng Sơn) mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc từ xưa đến nay vẫn cuốn hút du khách. Đến với xứ Lạng, chúng ta sẽ được khám phá nhiều phong cảnh, di tích lịch sử, đền chùa đẹp cùng các món ăn dân dã độc đáo.
Quang cảnh thành phố Lạng Sơn nhìn từ trên Thành Nhà Mạc

Chùa động Tam Thanh

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

Câu ca dao xưa đã nói đến những địa danh nổi tiếng của mảnh đất xứ Lạng. Trong đó Tam Thanh là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng xứ Lạng. Thực chất ngày nay lên thăm viếng chùa Tam Thanh chúng ta sẽ được khám phá cả một quần thể di tích gồm có chùa, động, lầu ngắm cảnh.

Ngoài chùa Tam Thanh ra, ở đây chúng tôi đã được tham quan chùa Tuần Giáo, động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh trước khi lên ngắm cảnh ở Lầu Vọng Thị. Chùa Tam Thanh được xây dựng từ thời nhà Lê (thế kỷ XVI). Chùa Tam Thanh mang lối kiến trúc tiêu biểu thời Lê-Mạc. Về cái tên Tam Thanh, hiện có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng di tích này xưa kia là nơi thờ tự của Đạo giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh là ba cung cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản.

Nhũ đá tuyệt sắc trong chùa động Tam Thanh

Quần thể động trong chùa gồm có  3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong chùa Tam Thanh. Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Vách động bên phải có khắc bài thơ của danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn .

Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Trong động có hồ Cảnh, nước luôn trong xanh. Chiều dài lòng động khoảng 50m với nhiều nhũ đá tạo những hình thù đẹp mắt, hấp dẫn du khách. Phía sau động, có cửa Thông Thiên thông lên đỉnh núi. Bia Tam Thanh ghi: “Động này là kỳ quan do trời đất tạo ra, nơi đây là thắng cảnh của vùng đất thiêng người giỏi, thật khó mà miêu tẢ, tô vẽ được”.

Khi du khách đi qua cửa động rộng khoảng 8m, cao trên 10m, thì mọi người sẽ vào lòng động thứ nhất và thứ 2 liên tiếp nhau, dài khoảng 80m, rộng  gần 30m, đây chính là động Nhất Thanh và Nhị Thanh. Hai khu hang động này được phát hiện và trở thành danh thắng nổi tiếng từ cuối thế kỷ XVIII.

Dấu tích lịch sử

Bệ pháo thời chống Pháp và chiếc cổng thành cổ Lạng Sơn

Ngoài chùa động Tam Thanh nổi tiếng ra, mảnh đất xứ Lạng cũng từng để lại nhiều dấu tích lịch sử. Trong qua gần 1800 năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc (từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến Quang Trung-Nguyễn Huệ đánh quân Mãn Thanh) thì những địa danh như Ải Chi Lăng, Ải Nam Quan rồi Thành Nhà Mạc… đã trở lên rất đỗi quen thuộc với mọi người.

Ải Chi Lăng hiện nay nằm ngay trên trục quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Vị trí Ải do hai dãy núi đá vôi Bảo Đài và Cai Kinh dựng đứng hợp thành. Dưới lòng thung lũng là cánh đồng Chi Lăng bằng phẳng. Ở đây nổi tiếng với đặc sản na Chi Lăng.

Thành nhà Mạc nằm cạnh núi Nàng Tô Thị. Năm 1592, nhà Lê được Chúa Trịnh giúp đỡ đánh bật nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tàn dư nhà Mạc chạy lên các tỉnh biên giới phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và lập căn cứ để chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh.

Cuối thế kỷ XVI, Ngụy Đôn Hầu Mạc Kính Cung chiếm giữ được Lạng Sơn và ra lệnh xây đắp thành ở núi Vệ Sơn - Đông Kinh (chính là thành nhà Mạc bây giờ). Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là một căn cứ quân sự quan trọng, hiểm yếu trấn giữ con đường độc đạo nối giữa nước ta và Trung Quốc.  Thành được xây dựng bằng đá kiên cố, có lỗ châu mai. Thành dài 300m, mặt Thành dày 1m, cửa được bố trí thuận tiện cho việc phòng thủ. 

Dấu tích biệt thự cổ Pháp xây trên đỉnh Mẫu Sơn

Chúng tôi đã được khám phá, tham quan 2 đoạn tường thành xây bằng đá giữa hẻm núi còn tồn tại. Đây là một di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời kỳ chiến tranh tương tàn trong lịch sử Việt Nam. Hiện nay di tích Thành Nhà Mạc đã được đầu tư, tôn tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan du lịch. Đứng trên Thành nhìn về phía đông có thể bao quát được toàn thành phố Lạng Sơn. Khu di tích đã được xếp hạng cấp Quốc Gia từ năm 1962.

Ải Nam Quan có từ thời Đông Hán (thế kỷ II-III) hiện nay đã được đổi thay Hữu Nghị Quan. Đây chính là cửa khẩu quốc tế biên giới phía Đông Bắc để thông thương giữa nước ta và Trung Quốc hiện nay.

Từ năm cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bắt đầu tiến lên chiếm đóng vùng Lạng Sơn. Sau đó từ 1946-1954, đất nước ta bước  vào cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, Lạng Sơn trở thành một mặt trận trọng yếu. Chính vì thế những dấu tích của thời kỳ thuộc địa Pháp và chống Pháp hiện vẫn còn tồn tại ở khắp xứ Lạng. Chúng ta có thể thấy những khẩu pháo, súng thần công bảo vệ cửa thành vẫn còn được lưu giữ cho du khách tham quan. Hay những dấu tích lịch sử của chiến dịch Biên Giới năm 1950 vẫn còn xuất hiện trên dọc cung đường quốc lộ 4B đi qua Lạng Sơn ngày nay.

Thiên nhiên hùng vỹ, thơ mộng

Sông Kỳ Cùng, với dòng chảy ngược về phía Trung Quốc

Như đã nói ở trên, ngoài hệ thống hang động ở quần thể chùa Tam Thanh thì Lạng Sơn còn có rất nhiều thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng khác. Nếu du khách có vài ngày ở xứ Lạng thì cuộc chinh phục khám phá nóc nhà Đông Bắc sẽ là một ý tưởng không tồi. Nóc nhà Đông Bắc chính là đỉnh Mẫu Sơn (núi mẹ) cao 1.541m so với mực nước biển.

Mẫu Sơn mùa hè có thời tiết mát mẻ như một Đà Lạt của xứ Lạng, nhưng mùa đông lại lạnh giá với băng tuyết thường xuyên xuất hiện. Từ thành phố Lạng Sơn, chúng tôi rẽ phải đi thêm 30km theo quốc lộ 4B để đến chân núi Mẫu Sơn. Qua tấm biển chỉ dẫn, chúng tôi biết còn phải chinh chiến 15km đường đèo nữa mới lên tới đỉnh. Con đường với các đoạn cua dốc, gấp khúc liên tục, một bên là núi, một bên là vực sâu hun hút. Tất cả trong tầm mắt chúng tôi chỉ còn là một màu xanh hoang sơ, hùng vĩ.

Cảnh sắc thanh bình nơi làng quê xứ Lạng

Càng lên cao, cảnh sắc hiện ra ngày càng heo hút, nhưng vô cùng tươi đẹp. Càng lên tới gần đỉnh, mây càng xuất hiện nhiều hơn và những cơn mưa lạnh buốt bắt đầu xuất hiện. Hiện nay ở trên đỉnh Mẫu Sơn vẫn còn những căn biệt thự của người Pháp xây từ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX. Đứng từ trên đỉnh nhìn xung quanh chỉ một màu xanh của núi rừng. Nếu may mắn vào một ngày trong trời và có ống nhòm trên tay du khách sẽ ngắm được con sông Kỳ Cùng cuộn chảy ngược dòng về phía Trung Quốc.

Đến Lạng Sơn chúng ta còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp, lễ hội, chợ phiên đặc sắc khác như: Mùa lúa chín Bắc Sơn, thác Đăng Mò, Núi Tô Thị với hòn Vọng Phu, chợ Kỳ Lừa, chợ Đồng Đăng hội Đầu Pháo, hội Lồng Tồng…

Thác Đăng Mò, huyện Bình Gia

Độc đáo bài tắm lá thuốc của người Dao Đỏ

Lên đỉnh Mẫu Sơn có một cái thú mà du khách thường thưởng thức, đó là xông, tắm lá thuốc của người Dao Đỏ. Từ một bài tắm thuốc nhằm phục hồi sức khoẻ cho phụ nữ sau khi sinh, ông Đặng Tăng Phúc, người Dao Đỏ đã nghiên cứu chế biến thành bài thuốc tắm phục hồi, tăng cường thể lực cho du khách gần xa. Bài thuốc có 36 vị được lấy từ những cây cỏ có sẵn trong vùng rừng rậm Mẫu Sơn. Tác dụng chính của bài tắm thuốc này là an thần, thông mạch máu, phục hồi gân cốt, kích thích tiêu hoá…Tắm lá thuốc cũng rất tốt cho những người hoạt động trí óc mệt nhọc. Khi vòi nước thuốc mở, hương thuốc toả ra không gian ngào ngạt, thì chúng ta phải ngâm da thịt vào ngay. Bài tắm thuốc quý giá có chất lượng của ông Đặng Tăng Phúc đã được Sở Y tế Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận số 10/YT-ngày 12/8/2002.

Đọc thêm