Ám ảnh vụ tấn công 11/9 định hình cuộc tranh luận của Mỹ về Syria

12 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011, những ký ức đầy ám ảnh của sự kiện này đang có ảnh hưởng nhất định đến cuộc tranh luận về hành động của Mỹ đối với Syria.

12 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011, những ký ức đầy ám ảnh của sự kiện này đang có ảnh hưởng nhất định đến cuộc tranh luận về hành động của Mỹ đối với Syria.

Trong dịp kỷ niệm các vụ tấn công khủng bố năm 2001, nước Mỹ lại một lần nữa vật lộn với những câu hỏi đau đáu về Al Qaeda, về vũ khí hủy diệt hàng loạt và về những nguy cơ mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt nếu không hành động.

Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Internet
Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Internet

Tâm điểm của cuộc tranh luận hiện nay chính là tổng thống Barack Obama. “Nước Mỹ không phải cảnh sát viên của thế giới. Những điều tồi tệ vẫn xảy ra trên toàn cầu, và vượt khả năng của chúng ta để có thể sửa chữa những chuyện sai trái. Nhưng với những nỗ lực khiêm tốn và dám đối đầu với các nguy cơ, chúng ta có thể ngăn chặn việc những đứa trẻ bị đầu độc đến chết và do đó để con cái chúng ta được an toàn hơn trong tương lai, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hành động”, ông Obama tuyên bố khi trình bày trước dư luận cả nước về cuộc xung đột Syria.

Một số người lo ngại rằng một cuộc tấn công của Mỹ tại Syria có thể sẽ lôi kéo quân đội Mỹ vào một cuộc xung đột kéo dài và không thể giành chiến thắng tại Trung Đông, giống như tại Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, một số người khác lại xem xét vấn đề Syria qua một lăng kính Trung Đông rộng lớn hơn, có liên quan tới cả Iran. Những người này lo ngại nếu nước Mỹ không hành động quyết đoán ngay từ bây giờ, nước Mỹ sẽ bắt đầu ở thế yếu khi phải đối mặt với những đe dọa tại khu vực này trong tương lai.

Al Qaeda vẫn là đe dọa hàng đầu

Chỉ vài ngày sau sự kiện 11/9, tổ chức khủng bố quốc tế do Osama bin Laden đứng đầu đã trở thành “kẻ thù của nước Mỹ”. Hơn 1 thập kỷ sau, bin Laden đã chết và ông Obama tuyên bố những tổ chức nòng cốt của tổ chức này đang trên đường bị diệt vong. Nhưng trong lúc Al Qaeda ở Afghanistan và Pakistan có vẻ suy yếu thì các chi nhánh của tổ chức khủng bố này tại bán đảo Ả rập, Bắc Phi và cả Syria lại đang nổi lên như một mối đe dọa nghiêm trọng.

Giới chức Mỹ lo ngại những phần tử có liên quan đến Al Qaeda đang ngày càng gia tăng trong lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Assad. Ông Assad có thể sẽ tìm cách khai thác các mối quan ngại này, theo suy luận “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta”. Bản thân ông Assad khi nói về khả năng Mỹ tấn công Syria đã tuyên bố: “Đây là cuộc chiến sẽ khiến Al Qaeda và những kẻ đã giết chết người Mỹ trong sự kiện ngày 11/9 trở nên mạnh hơn”.

Bài học Iraq và Afghanistan

Với việc quân đội Mỹ đang bị ảnh hưởng lớn bởi việc cắt giảm chi tiêu, rất ít người Mỹ tỏ ý ủng hộ nước này tham gia vào một cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 2 năm qua và vẫn chưa biết bao giờ mới kết thúc. Ông Obama – người đã lên tiếng chỉ trích cuộc chiến tranh tại Iraq và đã dùng quyền điều hành để kết thúc cuộc chiến này cũng như đang dần rút khỏi Afghanistan – dường như cũng có suy nghĩ tương tự: “Tôi biết người dân Mỹ đã mệt mỏi vì chiến tranh đến mức nào, đặc biệt là chiến tranh tại Trung Đông. Vì vậy tôi sẽ không coi nhẹ quyết định này” – ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/9.

Ông Obama và các trợ lý biết rõ nhiều người Mỹ sẽ chống lại những lời kêu gọi, vốn gợi nhớ đến lập trường hung hăng của tổng thống George W. Bush sau vụ 11/9. Do đó, họ khăng khăng nói hành động của Mỹ sẽ chỉ ở mức hạn chế và không có sự tham chiến trên bộ của binh lính.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt

Tháng 8/2006, tổng thống Bush tuyên bố: “Bài học từ vụ 11/9 là phải xử lý các mối đe dọa trước khi nó trở thành hiện thực”. Trong những ngày này, người ta khẳng định thông tin tình báo cho rằng ông Saddam Hussein đã sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt là thất thiệt. Hiện nay, rất ít người hoài nghi rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Chế độ của ông Assad thậm chí ông khai thừa nhận có tàng trữ loại vũ khí nguy hiểm này khi đồng ý từ bỏ để đạt được một thỏa thuận ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ.

Ông Obama thừa nhận Syria không phải là mối đe dọa trực tiếp hay sắp xảy ra đối với nước Mỹ nhưng vẫn tỏ thái độ kiên quyết để đề phòng khả năng mà Ngoại trưởng John Kerry trình bày hôm 10/9: “Đôi khi các cuộc chiến tranh nổ ra sau đó vì người ta đã không làm những việc có thể ngăn chặn chúng từ trước đó”. Tất cả những điều trên dường như là những khả năng mà Mỹ cần phải đưa ra cân nhắc trước khi đưa ra một hành động cụ thể tại Syria.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm