Ấm lòng nơi biên cương

Chuyến lên Tây Giang tặng quà nhân dịp Tết Tân Mão dự định xuất phát lúc 5 giờ thế nhưng nhiều doanh nhân, Việt kiều và văn nghệ sĩ đến Văn phòng Đại diện Nhà xuất bản Quân đội rất sớm để chuyển 200 suất áo quần, thực phẩm và thuốc men lên xe. Nhà văn Trần Kỳ Trung ở Hội An đi từ 4 giờ. Nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Nguyễn Đức Chữ đã ngoài 60 nhưng dậy từ 3 giờ sáng.
Chuyến lên Tây Giang tặng quà nhân dịp Tết Tân Mão dự định xuất phát lúc 5 giờ thế nhưng nhiều doanh nhân, Việt kiều và văn nghệ sĩ đến Văn phòng Đại diện Nhà xuất bản Quân đội rất sớm để chuyển 200 suất áo quần, thực phẩm và thuốc men lên xe. Nhà văn Trần Kỳ Trung ở Hội An đi từ 4 giờ. Nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Nguyễn Đức Chữ đã ngoài 60 nhưng dậy từ 3 giờ sáng.

Một chút quà xuân để ấm lòng khi Tết đến.
Chuyến đi đột xuất đúng vào chủ nhật nhưng chúng tôi được đồng chí Briu Liếc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cùng cán bộ huyện đón ngay tại nhà Gươl.

Chúng tôi đến A Tiêng, một xã giáp giới với Lào. Phó Chủ tịch xã có cái tên rất lạ: Blúp Ấm Lòng. Anh cười hiền, giải thích: Chắc em sinh khi mới hòa bình nên cha mẹ đặt tên vậy. 34 tuổi nhưng trông Blúp Ấm Lòng già dặn lắm. Túi quà và 200 ngàn đồng trao cho mỗi hộ tại đền Hồn thiêng sông núi. Trời rất lạnh nhưng ai cũng hân hoan.

A Tiêng có 6 thôn, cách nhau bởi những núi cao. Sau bữa trưa, chúng tôi mang quà đến thôn Tà Vàng. Làng có 20 hộ nhưng chỉ gặp toàn trẻ em vì người lớn đi rừng lấy đót. Blúp Ấm Lòng nói đã xong mùa lúa nhưng đất ít, lúa chỉ đủ ăn, lấy đót kiếm tiền mắm muối. Tết với những người dân nơi đây vẫn là cơm áo.

Chiều xuống càng lạnh rồi trời trở mưa. Trên đường về, chốc chốc chúng tôi lại gặp người gùi đót. Đót được tuốt sạch lá chỉ còn bông, xanh mềm như nhung trên đầu những con người nhỏ bé, khô róm.

Chúng tôi ghé thăm ALăng Bút, người dân tộc Cơtu bị mù nhưng vẫn cõng gạo, cõng đạn cho bộ đội trong kháng chiến. Con người tật nguyền nhưng luôn đi đầu trong đoàn dân công qua bao sông bao núi bây giờ đã ngoài 70, ốm yếu. Ông loay hoay mãi mới chui ra khỏi cái giường nhỏ phủ gần chục lớp chiếu, chăn, màn… dày như tổ tò vò. Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng trưởng đoàn tranh thủ bấm huyệt cho ông mấy phút, tặng quà và chúc ông sức khỏe.

Tây Giang có 10 xã với 97% dân tộc Cơtu, đến đây chúng tôi mới rõ hơn tấm lòng người dân. Những rẻo đất ít ỏi, những con suối cho thấy cuộc sống họ rất khó khăn. Thế nhưng gần 50 năm trước, người dân đã nhường cơm gạo, sắn khoai cho bộ đội, đã vang danh trận đánh đồn Tơ Râm, A Hu, A Tiêng, địa đạo A Noong, anh hùng K’lâu Năm, Alăng Đàn, Alăng Bút... Tôi tin rằng không chỉ trước đây, bây giờ mà mai sau, người dân nơi đây vẫn vậy, vẫn sẵn sàng đứng lên khi đất nước gọi.

Món quà của chúng tôi - doanh nhân, Việt kiều và văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng mang đến cho người dân nơi biên cương của tỉnh Quảng Nam chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ, như tên người Phó Chủ tịch xã A Tiêng, chỉ ấm lòng. Còn cần nhiều, rất nhiều sẻ chia của mọi người.

Minh Thủy

Đọc thêm