Âm vang văn hóa biển đảo với Festival Biển 2011

Diễn ra trong suốt một tuần lễ với hơn 60 chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hội thảo khoa học, hội chợ, triển lãm…, Festival Biển 2011 đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách gần xa về một kỳ lễ hội hết sức sôi động và ý nghĩa.

Diễn ra trong suốt một tuần lễ với hơn 60 chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hội thảo khoa học, hội chợ, triển lãm…, Festival Biển 2011 đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách gần xa về một kỳ lễ hội hết sức sôi động và ý nghĩa. Du khách muốn biết nhiều hơn về văn hóa biển đảo tại Khánh Hòa, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, một vùng biên cương của Tổ quốc chưa xuất hiện nhiều tại tuần lễ  Festival Biển 2011.

Văn hóa biển đảo

Là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ có bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam, kéo dài từ xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) đến cuối vịnh Cam Ranh (TP.Cam Ranh), Khánh Hòa có chiều dài gần 385 km (tính theo mép nước biển), cùng với 200 hòn đảo lớn nhỏ và các đảo nằm trên quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

Hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ với chủ đề “Du lịch biển đảo” trong chương trình “Nha Trang - Biển hẹn”, hôm qua – 15/6, Ban tổ chức Festival Biển 2011 phối hợp Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”.

Hội thảo nhằm tiếp cận, nghiên cứu và làm rõ hơn những giá trị văn hóa đặc trưng về biển đảo, thực hiện việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy tác dụng những di sản văn hóa biển đảo… để từ đó có những định hướng đúng trong quy hoạch, xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng kinh tế biển đảo, bảo đảm có đầy đủ tính khoa học và yêu cầu phát triển bền vững.

Với góc nhìn của một nhà khoa học, GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã nêu lên khái niệm Văn hóa biển: “Là hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại lấy biển cả làm nguốn sống chính… Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường…”. 

Cũng tại cuộc hội thảo, nhiều ‎tham luận của các nhà kho học đã đề cập đến chiến lược phát triển kinh tế biển của Khánh Hòa, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến chiến lược văn hóa biển cho ngư dân và bộ đội trên quần đảo Trường Sa bởi văn hóa biển Trường Sa là một văn hóa biển rất đặc thù, đòi hỏi phải đầu tư nhiều trí tuệ, công sức, tiền của…

Bên cạnh đó, cần phát huy truyền thống và sức mạnh tổng hợp làm nòng cốt đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; duy trì sự ổn định trên các vùng biển, giữ vững chủ quyền, không để xẩy ra xung đột; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển…như ý kiến Đại tá Nguyễn Đức Vượng - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân.

“Biển mãi xanh”

Đây là chủ đề của Lễ bế mạc Festival Biển 2011, một chương trình nghệ thuật hoành tráng chuyển tải nhiều thông điệp về những giá trị của biển nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, cũng được diễn ra hôm qua tại Quảng trường 2/4, TP.Nha Trang.

Sau một tuần tham gia Festival Biển 2011 “Nha Trang – Biển hẹn”, hơn 100.000 du khách trong và ngoài nước đã được đắm mình trong các chương trình nghệ thuật đặc sắc như: “Dòng sông của biển; Vòng tay của biển, Khát vọng biển xanh, Vũ điệu trên biển, Lung linh sắc biển; Lễ hội Yến sào; Lễ hội rượu vang; Lễ hội ẩm thực; Lễ hội cầu ngư, Đám cưới tập thể dưới nước, Diễu hành xe Vespa cổ…”.

Trong đó, Chương trình nghệ thuật quốc tế có sự tham gia của các Đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc, Cuba; sự góp mặt các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Hồ Quỳnh Hương, Hiền Thục, Kasim Hoàng Vũ, Quang Linh… cùng đông đảo học sinh, sinh viên của TP.Nha Trang và TP. HCM.

Tất cả các chương trình nghệ thuật đều khắc họa những nét đẹp về văn hóa, lịch sử, tình yêu đất nước và con người của vùng đất xứ “Rừng Trầm - Biển Yến”; một vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, đầy tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển đảo, văn hoá, du lịch, xu hướng hội nhập và phát triển của Khánh Hòa.

Đặc biệt, trong tuần lễ Festival 2011 còn có các hoạt động hướng về Trường Sa như: Triển lãm ảnh về Trường Sa, trưng bày Bản đồ Trường Sa ghép bằng hạt cà phê cùng nhiều hội thảo khoa học về văn hóa biển, kinh tế biển, đảo của Khánh Hòa và của cả nước.  

Festival Biển 2011 “Nha Trang – Biển hẹn” đã khép lại nhưng vẫn còn vang mãi trong lòng du khách trong và ngoài nước cũng như người dân Khánh Hòa tinh thần trân trọng, yêu mến biển đảo, non nước Việt.

Hùng Lượng

Đọc thêm