Xuất phát thấp
Ông Nguyễn Công Trận - Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) cho biết, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, An Biên là huyện có điểm xuất phát thấp do hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, ngành nghề chưa phát triển, sản xuất nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trình độ sản xuất của người dân còn thấp. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện địa phương còn hạn chế dẫn đến kinh tế - xã hội phát triển chậm, chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng sẵn có của địa phương. Mức thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2011) mới chỉ đạt gần 16 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 15%.
|
Bà Lê Hồng Thắm, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và ông Nguyễn Công Trận, Tỉnh Uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện thăm và tặng quà gia đình chính sách nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7. |
Trước những khó khăn đó, huyện luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng các Sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Kiên Giang cùng sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sự năng động, sáng tạo của các ngành, các cấp và sự đồng thuận của nhân dân đã giúp cho huyện khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Từ đó, An Biên đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
“Tính đến thời điểm hiện tại, An Biên có 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, 1 xã NTM nâng cao và 1 thị trấn đạt tiêu chí đô thị văn minh. Chúng tôi cũng đã xác định rõ Chương trình MTQG xây dựng NTM là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, hướng đến thực hiện việc thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, phát triển lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt ở nông thôn”- Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện An Biên chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Công Trận ( đứng thứ 3 từ trái qua).Tỉnh Ủy Viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện trao quà cho các hộ gia đình khó khăn nhân dịp công nhận xã Đông Yên đạt chuẩn NTM nâng cao và tổng kết Tết Quân dân tại xã Đông Yên. |
Không gượng ép sức dân
Lãnh đạo huyện An Biên cũng khẳng định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc chính vì vậy trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị nêu cao quyết tâm giữ vững và nâng chất các kết quả đạt được trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2025 huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và An Biên sẽ được công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024. Khi đó, bình quân thu nhập đầu người cũng sẽ đạt từ 70-75 triệu đồng/người/năm và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%. An Biên cũng sẽ triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình, 6 chương trình chuyên đề trọng tâm trong xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.
“Có thể nói, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện với sự tập trung, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện An Biên đã phát huy được sức mạnh của toàn xã hội và sự hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ của nhân dân và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và khả quan. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 58 triệu đồng/người/năm, tăng 41,89 triệu đồng/người/năm so với khi bắt đầu thực hiện chương trình”- Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện An Biên Nguyễn Công Trận phấn khởi nói.
|
Nông dân huyện An Biên, Kiên Giang thu hoạch lúa. |
Cũng theo lãnh đạo huyện An Biên, xây dựng NTM trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng NTM. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng NTM thì chương trình mới thật sự thành công. Việc huy động, đóng góp của người dân và doanh nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở công khai, bàn bạc dân chủ, đồng thuận cao của người dân, không gượng ép quá sức dân.
Tái cơ cấu nông nghiệp và bảo vệ môi trường
“Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của huyện An Biên được xây dựng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng nông sản; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực (OCOP) của huyện gắn với phát triển du lịch, thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.Đồng thời, duy trì và nâng chất lượng tiêu chí môi trường để xây dựng huyện An Biên “Sáng - xanh - sạch - đẹp” cũng như nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ bằng chế phẩm sinh học để sử dụng làm phân bón cho cây trồng.