Cảnh sát Tại CHLB Đức mới bắt giữ một nghị sĩ vì tội ăn cắp sách. Ông nghị này trong vòng 20 năm đã ăn cắp tới 24.000 cuốn sách quý hiếm, trị giá hơn một triệu euro.
|
Tham sách, Rossmann đối mặt nhiều năm tù. |
Sách quí "không cánh mà bay"
Thư viện của Công tước 75 tuổi Vittekind Waldeck Pyrmont, ở lâu đài Bad Arolsen, thuộc lãnh thổ bang Hesse, CHLB Đức, là một địa danh nổi tiếng lưu giữ nhiều sách quí hiếm, đặc biệt là những sách về khoa học tự nhiên được in ấn và phát hành từ ba-bốn trăm năm trước. Công tước Vittekind là người ham đọc, ham kiến thức, ông luôn để tâm sưu tập và xây dựng thư viện gia đình. Điều đáng quí hơn nữa, thư viện Bad Arolsen không chỉ dành riêng cho con cháu và người thân của Công tước Vittekind. Mọi người ham hiểu biết đến đó đều được phục vụ tận tình.
Giữa tháng 8/2011, một giáo sư đến thư viện Bad Arolsen đề nghị mượn cuốn “Cẩm nang lịch sử tự nhiên” của Johann Friedrich Blumenbach, xuất bản năm 1779 tại Göttingen. Các thủ thư tìm mỏi mắt, vã mồ hôi không thấy. Tra cứu yêu cầu bạn đọc, cũng không thấy ai mượn cuốn sách này trong vòng nhiều tháng trước đó. Cuốn sách đã không cánh mà bay!? Một nữ thủ thư khẳng định, cách đó không lâu bà đã sắp xếp lại giá sách, cuốn “Cẩm nang lịch sử tự nhiên” được xếp cạnh những cuốn “Khoáng chất học”, “Địa-vật lý”...
Thông thường, mọi người đến thư viện đều phải chờ, để nhân viên thư viện vào kho tìm sách theo yêu cầu. Nhưng ông Rossmann là trường hợp đặc biệt. Ngay từ lần đầu ông ta đến Bad Arolsen, Công tước Vittekind đã đón tiếp rất thịnh tình. Mỗi khi đến, Rossmann đều viết thư trước cho Công tước trên mẫu giấy riêng của Bộ Khoa học và Văn hóa bang, có in Quốc huy trên góc. Hơn nữa, bao giờ ông ta cũng cưỡi chiếc xe Mercedes C-Class màu bạc, với biển xe HEL...
Những lá thư và chiếc xe mang biển kiểm soát đó chứng tỏ ông ta là quan chức cao cấp của chính quyền bang Hesse. Hơn nữa, ngay từ lần đầu Rossmann đã tự giới thiệu khéo với chủ nhân lâu đài rằng, vì công tác ở Bộ Khoa học và Văn hóa của bang, lại chuyên nghiên cứu, quản lý về mảng sách và thư viện, nên ông ta rất quan tâm tới thư viện Bad Arolsen. Chính vì vậy Rossmann được Vittekind ưu ái, cho phép vào kho sách, tự chọn bất cứ cuốn sách nào ông ta muốn đọc.
Nhưng khi mất cuốn “Cẩm nang lịch sử tự nhiên” trong một tình huống kỳ cục như vậy, thì người đầu tiên bị các nhân viên thư viện nghi ngờ lại chính là ngài quan chức cao cấp bang. Họ đã dành ra cả một tháng trời lặng lẽ kiểm kê kho sách. Đương nhiên, bạn đọc vẫn được phục vụ bình thường, như không hề có chuyện gì xảy ra. Hóa ra, cuốn “Cẩm nang lịch sử tự nhiên” còn “rủ” thêm 23 cuốn sách khác cùng “biến” khỏi Bad Arolsen! Đến nước này, thì Quản trị trưởng thư viện buộc phải trình báo sự thể với Công tước Vittekind.
Giăng lưới bắt trộm
Công tước Vittekind cho mời cảnh sát đến lâu đài, để nghe giải trình về tình hình mất trộm, xem xét hiện trường, qui luật hoạt động của thư viện, danh sách bạn đọc thường đến thư viện, khoanh vùng các đối tượng nghi ngờ và dùng phương pháp loại trừ. Cuối cùng, cả Cảnh sát trưởng, Quản trị trưởng thư viện và Công tước Vittekind đều nghi Rossmann là người có nhiều khả năng trộm sách. Cảnh sát phối hợp với lâu đài đã vạch ra một kế hoạch chi tiết giăng lưới bắt trộm.
|
Những quyển sách bị ăn cắp. |
Một ngày mùa thu năm 2011, Công tước Vittekind nhận được thư của Rossmann nói rằng vào dịp nghỉ cuối tuần, ông ta sẽ đến thăm lâu đài và tìm đọc một vài cuốn sách cổ. Đúng hẹn, Công tước Vittekind đón khách niềm nở bình thường như bao lần trước.
Sau hơn nửa giờ chủ và khách nâng cốc chúc mừng nhau vui vẻ trong ngày nghỉ cuối tuần, bình luận tình hình thời sự châu Âu, khu vực Trung Đông, khả năng Putin trở lại điện Kremlil... Rossmann đến thư viện. Ở đó, ông ta luôn được dành riêng vị trí tốt nhất của khách VIP - xa cách với bạn đọc khác để không bị ai quấy rầy, không khí thoáng mát, đủ ánh sáng, bàn rộng có ổ cắm điện để tiện sử dụng laptop.
Ông ta vào kho sách, tự chọn và bê ra cả đống, chất lên bàn. Cuốn nào ông ta cũng đọc lướt qua, ghi chép gì đó vào máy vi tính. Thỉnh thoảng ông ta lại mang vài cuốn để lại chỗ cũ trong kho, rồi lại bê ra những cuốn sách khác. Thỉnh thoảng ông ta ra vườn hút thuốc lá, đi đâu đó, rồi lại vào bàn làm việc. Suốt từ sáng đến chiều, những động tác như vậy cứ lặp đi lặp lại. Mãi chiều tối ông ta mới về.
Khi xe ra đến cổng, 2 cảnh sát bất ngờ xuất hiện, yêu cầu ngài Rossmann ra khỏi xe, mở cốp. Cả một đống sách hiện ra trước mắt. Không cần phải nói gì thêm, một viên cảnh sát lái xe quay lại lâu đài. Còn viên cảnh sát kia áp giải quan chức vào phòng khách.
Tại đó, đã có 3 cảnh sát và mấy người khác đang chờ. Thấy họ, mặt Rossmann càng tái như gà cắt tiết. Trên màn hình lớn, hiện lên cảnh ông ta đang cố nhét cuốn sách quí vào túi áo “bành-tô”, cảnh ông ta lấy sách từ túi áo bỏ vào cốp xe...
Toàn bộ cử chỉ, động tác của Rossmann trong ngày được hàng chục camera tự động ghi lại. Khám xét trong xe, trong túi da và cả trong áo, cảnh sát đã thu được 53 cuốn sách. Vậy là Rossmann đã lấy trộm ở thư viện lâu đài Bad Arolsen ít nhất 77 cuốn sách quí hiếm.
Sách trộm được trả lại chủ nhân
Suốt thời gian qua, cảnh sát đã khám xét nơi ở và lấy khẩu cung của Rossmann. Trong ngôi nhà không rộng lắm, sống với vợ và 2 con, đồ đạc cũng xoàng xĩnh, thứ đáng giá nhất theo kiểm kê của cảnh sát, có lẽ chỉ là 24 nghìn cuốn sách quí hiếm, xuất bản trong khoảng thời gian thế kỷ XVII và XVIII, mà ông ta đã lấy trộm được.
Theo những ký hiệu và con dấu trên sách, không khó gì để có thể biết ông ta đã lấy trộm ở hơn 60 thư viện trong nước và thư viện các nước Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc. Tất cả sách lấy trộm đến nay đã được gửi trả lại chủ nhân.
Theo báo chí Đức, mặc dù Rossmann lấy trộm những sách cổ quí hiếm, trị giá kho sách lên tới nhiều triệu euro, nhưng cho đến nay ông ta hoàn toàn không có ý định bán. Bởi thế, cũng chưa thể xác định chính xác động cơ trộm sách của Rossmann. Chẳng lẽ đây cũng là một dạng tâm thần?. Theo luật pháp Đức, nếu bị đưa ra trước vành móng ngựa, với qui mô và tội danh này, có thể ông ta sẽ phải tù không dưới 10 năm.
Ngụy Ngữ Ngôn