Theo Đạo luật Công ty sửa đổi vừa được Quốc hội Ấn Độ thông qua hồi tháng trước, các doanh nghiệp lớn tại nước này sẽ phải chi 2% trong tổng lợi nhuận mỗi năm cho quỹ “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (CSR).
Trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ vẫn đang chật vật để đảm bảo nguồn cung cho các dịch vụ xã hội cơ bản, với hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo, các doanh nghiệp giàu có nhất của nước này đã được yêu cầu gánh vác trách nhiệm giúp đỡ chính quyền. “Ý tưởng của chính tôi là nếu chúng tôi có thể chuyển nguồn lực và phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp sang lĩnh vực phát triển thì lợi ích đưa lại là rất lớn” – ông Bhaskar Chatterjee – giám đốc Viện các vấn đề doanh nghiệp Ấn Độ (ICA) trình bày.
|
Những người vô gia cư tại Ấn Độ ăn cơm từ thiện. Ảnh: Internet |
Theo đạo luật sửa đổi vừa được thông qua, CSR sẽ được dùng để tài trợ cho các chương trình giáo dục, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đối phó với dịch bệnh cùng một số chương trình xã hội quan trọng khác. Đây là đạo luật đầu tiên được áp dụng trên thế giới, hứa hẹn đưa đến một nguồn cung cấp tài chính dồi dào cho các quỹ từ thiện và các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tuy nhiên, nó cũng dấy lên những quan ngại rằng các khoản quỹ này sẽ làm trầm trọng thêm vấn nạn tham nhũng đang hoành hành tại Ấn Độ.
CSR đã được áp dụng tại hầu khắp các công ty ở Ấn Độ. Theo đạo luật này, tất cả các doanh nghiệp có doanh thu trên 10 tỉ rupi (156 triệu USD), có giá trị tài sản ròng từ 5 tỉ rupi trở lên hoặc có lợi nhận từ 50 triệu rupi trở lên đều phải thực hiện CSR.
Các công ty này phải thành lập một ủy ban để thực thi và báo cáo về chính sách CSR của công ty, mà theo lý thuyết phải đảm bảo bằng 2% lợi nhuận trung bình của 3 năm trước đó. Theo luật, các công ty không thực hiện việc báo cáo khoản chi CSR cùng với các yêu cầu công bố thông tin tài chính khác sẽ bị phạt, ban giám đốc công ty có thể sẽ bị tống giam. ICA ước tính, khoảng 7.000 công ty nằm trong diện phải thực hiện CSR sẽ tạo ra nguồn quỹ thường niên khoảng 120 đến 150 tỉ rupi (1,9 đến 2,4 tỉ USD).
Đạo luật nói trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các doanh nghiệp – đối tượng điều chỉnh của luật mới. Ông Sidharth Birla – chủ tịch tập đoàn FICCI - cho biết, các doanh nghiệp tại nước này đã tích cực vận động chống lại các dự luật trước đó. “Chính phủ biến đây trở thành nghĩa vụ bắt buộc thì liệu các cơ quan chức năng khác có theo đó áp đặt thêm những gánh nặng cho các doanh nghiệp hay không?” – ông Birla đặt nghi vấn.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng đây không phải là một chính sách với mục tiêu tốt đẹp nhưng đưa lại hậu quả tồi tệ” – ông Saran nhận định.
Minh Tuệ (Theo báo nước ngoài)