Sau kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ đáng thất vọng, Tổng thống Obama nhận ra rằng lá phiếu của cử tri Mỹ thể hiện qua nền kinh tế đang tụt dốc. Cũng rất nhanh sau đó, ông Obama lên đường công du châu Á với điểm dừng chân đầu tiên là Ấn Độ - đất nước đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
|
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Singh tỏ ra thân mật. |
Ông Obama cũng như nhiều nhà kinh tế, doanh nhân Mỹ xem Ấn Độ là “Trung Quốc mới” mà bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế 9% năm nay là cực kỳ ấn tượng. Ấn Độ là thị trường lớn và trung tâm sản xuất quan trọng cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh mẽ. Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới để giúp tạo công ăn việc làm ở Mỹ.
Mặc dù có sự khác biệt rất lớn giữa hai nền kinh tế Mỹ - Ấn nhưng các nhà phân tích kinh tế cho rằng Mỹ có khối điều để học từ khả năng cạnh tranh kinh tế ở Ấn Độ từ chính sách, thể chế cho đến các bài học thú vị. Nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà Mỹ nhận ra đó là cách tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng theo xu hướng: Nhỏ, giản đơn tới mức có thể, đẹp song giá thành vẫn rẻ! Nó khác với tư duy: To, hiện đại, đẹp nhưng giá thành cao của người Mỹ. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, cách tiếp cận thị trường của người Ấn thực sự làm cho các doanh nhân tháp tùng ông Obama phải “lưu ý”.
Ông Obama đang cố tạo ra mối quan hệ Mỹ - Ấn bền chặt theo kiểu đan xen giữa kinh tế và chính trị. Song hành với những cam kết tăng cường quan hệ thương mại, trong bài phát biểu trước Quốc hội nước này, ông Obama ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Obama gọi Ấn Độ là đối tác không thể thiếu được của Mỹ trong tương lai. Buổi họp báo chung sau đó giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trở thành cuộc trả lời theo kiểu “kẻ tung người hứng”. Ông Obama bảo vệ quyết định của Cục Dự trữ liên bang (FED) khi “bơm” 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và lập tức được ông Singh ủng hộ khi nói về tầm quan trọng của Mỹ với nền kinh tế thế giới rằng “bất cứ điều gì làm cho nền kinh tế Mỹ phát triển thì chắc chắn sẽ giúp cho nền kinh tế thế giới thịnh vượng hơn”.
Những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của FED từ Tổng thống Obama và Thủ tướng Singh chắc chắn làm cho cuộc họp thượng định của G20 ở Seoul (Hàn Quốc) căng thẳng hơn sau khi cuộc họp thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế thất bại hồi tháng trước.
Trung Quốc, Brazil và Đức kịch liệt chỉ trích quyết định của FED bởi như thế Mỹ sẽ đẩy giá trị đồng USD xuống để giúp tăng cường khả năng xuất khẩu. Cuộc chiến tiền tệ sẽ càng căng thẳng hơn khi Mỹ và Trung Quốc đều cố giữ giá nội tệ để có lợi thế trong xuất khẩu. “Đó là bước đi táo bạo mà chưa có Tổng thống nào từng làm. Mỹ đã nhận ra Ấn Độ đang nổi lên như một cường quốc nên Mỹ cần thân mật hơn”, cựu cố vấn cho Thượng nghị sĩ McCain, ông Richard Fontaine đánh giá.
ANH THƯ