Án hành chính “ùn” vì người đứng đầu chính quyền… bận

(PLO) - Đấy là một trong những tồn tại mà ngành Tòa án Hà Nội phải đối mặt trong năm 2018, khi số lượng vụ án nhiều mà người đứng đầu chính quyền lại thường xuyên bận, dẫn đến tiến độ giải quyết án không được đảm bảo.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế kiện quyết định hủy bằng tiến sĩ của Bộ GD&ĐT

Theo TAND TP Hà Nội, trong năm 2018, nhờ tập trung làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính nên tòa án hai cấp đã tiến hành công nhận thỏa thuận, hòa giải thành hàng chục nghìn vụ. Tuy nhiên, do thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính TAND cấp tỉnh phải giải quyết dẫn đến số lượng án hành chính tòa án cấp này giải quyết tăng đột biến, gây quá tải cho tòa án cấp tỉnh, trong khi số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là thẩm phán.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2018, TAND hai cấp Hà Nội vẫn còn nhiều vụ án để quá thời hạn xét xử, đặc biệt là các vụ án hành chính với 266 vụ. Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, theo quy định của Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khi tham gia tố tụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình làm đại diện, không được ủy quyền cho người khác. Đây là quy định mới nhằm khắc phục những bất cập, vì thời gian qua cho thấy hầu hết người bị kiện là người đứng đầu cơ quan tổ chức thường ủy quyền cho cho cán bộ, công chức cấp dưới như cán bộ thanh tra, văn phòng… nhưng những người này lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện. 

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay  số lượng các vụ án hành chính rất lớn, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND không thể bố trí thời gian tham gia được tất cả các buổi làm việc, buổi đối thoại và các phiên tòa. “Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác đối thoại cũng như tiến độ giải quyết các vụ án hành chính”- báo cáo của TAND TP Hà Nội do Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính ký ban hành mới đây cho hay.

Một khó khó khăn nữa đang làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ án hành chính được TAND TP Hà Nội chỉ ra là công tác phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cũng như tham gia đối thoại trong quá trình tòa án giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt hiệu quả cao. 

Theo cơ quan này, trong các vụ án hành chính, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, UBND các cấp không kịp thời cung cấp các văn bản ghi ý kiến, tài liệu chứng cứ hoặc có cung cấp nhưng chưa đầy đủ. Cá biệt có UBND không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của tòa án gây khó khăn trong công tác thu thập, đánh giá chứng cứ của thẩm phán. “HĐND và UBND TP Hà Nội cần có chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tòa án 2 cấp thực hiện nhiệm vụ như kịp thời cung cấp tài liệu, chứng cứ cũng như tăng cường tham gia đối thoại trong quá trình tòa giải quyết các vụ án hành chính”- TAND TP Hà Nội kiến nghị.   

Trong năm 2018, ngành Tòa án Hà Nội thụ lý 1.163 vụ án hành chính, trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm là 1.093 vụ (đã giải quyết 284 vụ) và theo thủ tục phúc thẩm 70 vụ (đã giải quyết 66 vụ). Trong 6 vụ bị hủy, 1 vụ hủy do có lỗi của thẩm phán và 2 vụ bị hủy do nguyên nhân khách quan, 3 vụ chưa tiến hành kiểm điểm án bị hủy. Đối với án bị sửa có 16 vụ được phát hiện, tăng 13 vụ so với năm 2017,  nguyên nhân chủ yếu là do đánh giá chứng cứ khác nhau giữa cấp phúc thẩm và sơ thẩm.

Đọc thêm