Ăn lương công chính phải lo cho người dân

(PLO) - Khi 2 hộ dân ở Khánh Hòa căng lều ra giữa đường giao thông ở thì vỡ ra nhiều chuyện. Họ là nạn nhân trong một vụ vỡ đê kè, làm hỏng nhà, gây thương tích cho người. Tiền chính quyền hỗ trợ thuê nhà trong 3 tháng chỉ đủ thuê 1 tháng, hết tiền, họ ra đường dựng lều ở. Hẳn đây là động thái biểu lộ thái độ phản đối cách hành xử từ phía cán bộ địa phương.

Cái đê kè này được xây dựng dưới chân núi với mục đích tốt đẹp là bảo vệ dân cư sống ở đó. Hạng mục công trình này tốn 20 tỷ đồng. Sau đó, người dân phát hiện có nước rò rỉ dưới chân kè, cấp báo lên trên. Cơ quan là chủ đầu tư công trình này được giao nhiệm vụ khắc phục sự cố đó. Họ nghiên cứu và đề xuất phương án gia cố với số tiền 23 tỷ đồng (hơn 3 tỷ so với lúc xây mới). Tỉnh không đồng ý và trong lúc chờ đợi thì xảy ra việc vỡ đê kè, đẩy những người dân ở đây vào cảnh không nhà.

Sự việc trên cho thấy, cơ quan hoặc doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhưng không hề chịu trách nhiệm về chất lượng của công trình, thậm chí, họ còn có lợi khi những công trình do họ thiết kế, xây dựng xuống cấp lại có cơ hội được cấp kinh phí để sửa chữa. Còn người dân, đối tượng được “thụ hưởng” của dự án phải chịu những hậu quả nặng nề do những sự cố của những công trình “dân sinh” đó mang lại thì không được quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ mặc.

Hiện tượng này bắt gặp khá nhiều trong đời sống xã hội chúng ta, thấy rõ nhất là các dự án cho vùng nông thôn, miền núi như các công trình thủy lợi, xây dựng đường sá, nước sạch,... Thủy lợi biến thành thủy hại vì trước khi xây đập thì có nước vào ruộng, xây xong, ngắm cảnh “đồng khô, cỏ cháy”. Đường sá chưa quyết toán đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình nước sạch, phần lớn không sử dụng được hoặc chỉ được một thời gian rất ngắn.

Mới đây, Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Định kiểm tra đột xuất 33 xã, phường, thị trấn trong giờ hành chính phát hiện 30% công chức vắng mặt mà lãnh đạo không biết vì sao họ không đến nhiệm sở. Nhà nước chi mỗi năm khoảng trên 6 tỷ đồng trả lương cho công chức của một xã trung bình, trong khi nguồn thu của xã đó chỉ trên dưới 100 triệu. Đội ngũ công chức xã làm gì khi các tệ nạn xã hội ngày càng phát sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thuần phong mỹ tục không giữ được, các dự án dân sinh cho dân xã bị rút ruột, xuống cấp trầm trọng?

Vậy nên, xây dựng một chính phủ liêm chính, phục vụ không thể để tình trạng chính quyền địa phương có đủ bộ máy, ăn lương công chính mà lại không lo phục vụ người dân, bỏ quên các quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền phải vững mạnh từ cơ sở, phải chăm lo đến đời sống nhân dân, phương châm tốt đẹp đó xem ra vẫn chưa thành hiện thực!

Đọc thêm