[links()]Những di tích cổ quý giá đang bị “biến dạng” và mất đi từng ngày trước sự xót xa của hàng triệu người dân Việt. Những câu chuyện “phá đi- xây mới” di tích được xới lên rồi lại rơi vào quên lãng như “đá ném ao bèo”. Dường như từ trước tới giờ chưa có một cơ quan, cá nhân, tập thể “phá” di tích bị “thương tổn”. “Quả bóng” trách nhiệm lăn qua, lăn lại rồi tất cả “huề cả làng”. Câu hỏi đặt ra, đến bao giờ người “phá” di tích bị “quy án”?
Tự nhận lỗi: chờ và chờ…
Trở lại “vụ chùa Trăm Gian”, khi được hỏi về trách nhiệm của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội khi để xảy ra sự việc mà lãnh đạo Sở đánh giá là “rất nghiêm trọng” này, ông Nguyễn Quang Long - Giám đốc Sở cho biết, Sở đã có đề nghị lên thành phố về việc xin kinh phí thực hiện dự án, tuy nhiên do không được bố trí nên đành phải chờ, mặt khác ông Long khẳng định đây là một bài học đắt giá cho Sở nhưng để kết luận được trách nhiệm của từng cấp, từng người như thế nào thì còn phải chờ kết luận thanh tra.
Còn ông Vũ Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc và cũng phải chờ kết luận thanh tra”.
Chùa Trăm Gian bị phá là bài học đắt giá cho ngành văn hóa |
Điều 11 Chương 4 Quy chế 05 của Bộ VHTTDL về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh ghi rõ:
“Di tích có nhu cầu tu sửa cấp thiết là di tích đang có nguy cơ bị hủy hoại do tác động của thiên nhiên và con người cần được sửa chữa nhằm chống đỡ gia cố, gia cường các bộ phận của di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác bảo quản và phục hồi. Quy trình và giới hạn của việc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành sau khi có quyết định của UBND cấp tỉnh.
Giới hạn phạm vi tu sửa cấp thiết di tích bao gồm sửa chữa các bộ phận cấu kiện bị hỏng bằng cách nối vá, chống đỡ hoặc thay thế cấu kiện mới tương tự. Sở VHTTDL hoặc cơ quan quản lý cấp tỉnh trực tiếp chịu trách nhiệm và quản lý việc tu bổ cấp thiết di tích. Tổ tu sửa cấp thiết di tích phải bao gồm một cán bộ quản lý di tích ở tỉnh và một kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng".
Như vậy, việc UBND xã nhất trí cho chùa hạ giải nhà Tổ, gác Khánh đã hoàn toàn không đúng thẩm quyền và trái với quy định pháp luật. Chưa kể đến việc hạ giải tại chùa Trăm Gian để dựng lên một công trình mới lại càng vượt quá giới hạn của việc tu bổ cấp thiết di tích.
Hiện mới chỉ có chức vụ kiêm nhiệm của ông Tống Bá Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương - Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian bị thành phố đình chỉ, còn lại trong nhiều cuộc họp, các cơ quan hay cá nhân vẫn “tù mù” với trách nhiệm của mình.
Lại... “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm”?
Trước tình hình “công thì kể, còn tội thì…lảng” của các cá nhân, địa phương, cơ quan hữu quan, tại cuộc họp kiểm điểm của huyện Chương Mỹ chiều ngày 4/9/2012, sư trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Khoa đã nhận "tất cả là lỗi của tôi". Dù đã nhận tất cả lỗi, nhưng sư trụ trì cũng không thể một mình “gánh tội”, chính quyền địa phương, Sở VHTTDL không thể phủ tay chối bỏ trách nhiệm của mình.
Về phương án xử lý cán bộ, nếu cứ lại bài ca “bài học sâu sắc” rồi “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” thì sự việc tương tự sẽ tái diễn không chỉ ở chùa Trăm Gian mà có thể là tiền lệ xấu trong việc tu bổ di tích của cả nước. Nói cách khác là khi đó, Luật Di sản chỉ là Luật… “bù nhìn”.
Và đó là điều không thể chấp nhận. Thậm chí, nếu chỉ dừng lại ở việc đình chỉ chức vụ của Trưởng ban Quản lý chùa Trăm Gian như quyết định mới đây của UBND TP.Hà Nội cũng không đủ sức răn đe. Điều quan trọng mà dư luận quan tâm, bức xúc là sự thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo địa phương từ xã đến huyện.
Lời "hứa" “Tôi xin từ chức” bao giờ thực hiện?
Có lẽ cách tốt nhất hiện nay là cần xử lý nghiêm khắc như một tội hình sự với tất cả các đối tượng liên quan theo Điều 71 Luật Di sản: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Hy vọng với kết luận về việc kiểm điểm của TP.Hà Nội với “vụ” chùa Trăm Gian, dư luận không phải nghe điệp khúc: “chờ và chờ”, rồi bài ca “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm”, mà sẽ được nghe câu “tự từ chức” hay có “án” nghiêm khắc cho những người “phá” di tích. Có như vậy mới hy vọng các di tích quý báu trên khắp cả nước không còn bị bức hại bởi thời gian và chính bàn tay con người.
Dương Thùy