An ninh mạng - mối quan ngại chung toàn cầu

(PLO) - Sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ hiện nay đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, làm thay đổi cơ bản mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, với sự ra đời, phát triển của máy tính và mạng Internet đã tạo nên những đột phá trong kết nối, chia sẻ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Nhưng...
Mỹ đang tăng cường an ninh mạng sau khi hứng chịu nhiều đợt tấn công (Ảnh: USAF)
Mỹ đang tăng cường an ninh mạng sau khi hứng chịu nhiều đợt tấn công (Ảnh: USAF)

... Bên cạnh những thuận lợi và đóng góp tích cực thì thế giới cũng đã và đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cá nhân, Nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới từ chính Internet. 

Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao và là công cụ được sử dụng để can thiệp vào an ninh, ổn định của các quốc gia, các tổ chức. Chính vì vậy, an ninh mạng đang là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết.

Tàn phá khốc liệt

Hiện nay, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" ra đời để ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng. 

"Chiến tranh mạng" phản ánh tình trạng gia tăng công nghệ hóa của chiến tranh trong thời đại thông tin dựa trên máy tính và các mạng kết nối trong hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Loại hình chiến tranh này thường rẻ hơn, sạch hơn các hình thức xung đột vũ trang khác, nhưng vẫn gây ra sự phá hủy lớn, đặc biệt đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Một cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn có thể dẫn tới thiệt hại về người và của. "Chiến tranh mạng" không hề có giới hạn về địa lý, thời gian và hoàn toàn có thể thực hiện trên diện rộng, hoàn toàn không đổ máu nhưng lại có thể gây hậu quả chết người.

Các cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống thông tin các quốc gia với động cơ chính trị xuất hiện ngày càng nhiều. Tháng 4/2012, đã xảy ra hàng loạt cuộc tấn công mạng giữa các nhóm tin tặc Trung Quốc và Phillippnes, khiến hàng loạt trang web bị tê liệt và ngừng hoạt động.

Một số nhóm tin tặc như Anonymous, Luzlsec hay CyberWarrios Team liên tục thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gây tê liệt ngưng trệ hoạt động nhằm vào hệ thống thông tin của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới như Mỹ, EU và NATO.

Ngoài ra, các cuộc tấn công và thu thập thông tin tình báo cũng liên tục diễn ra. Điển hình như, Lầu Năm Góc đã bị tấn công mạng với quy mô lớn khiến 24.000 tài liệu mật của chính phủ bị đánh cắp hồi tháng 7-2011. 

Chưa dừng lại ở đó, hạ tầng xung yếu quốc gia bị phá hủy bởi các mã độc được thiết kế tinh vi như: mã độc Stuxnest đã gây đình trệ hoạt động của hàng nghìn máy làm giàu uranium của nhà máy điện hạt nhân Busher (Iran); mã độc Gauss xâm nhập chiếm quyền điều khiển hệ thống máy tính; mã độc "sinh học" Shamoon tấn công vào 30.000 máy tính của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (Arab Saudi) đánh cắp thông tin và tự hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ đoạn tấn công cũng không còn nhỏ lẻ như trước, mà đã được xây dựng thành hệ thống. Mặc dù số vụ tấn công có giảm so với thời gian trước đó nhưng mức độ các vụ tấn công tập trung, có tính toán hơn và có mức độ thành công cao hơn.

Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Internet đang dần trở thành phương tiện hữu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Phức tạp “cuộc chiến”

Năm 2008, tại Thái Lan đã mở Trung tâm bảo vệ điều khiển học, là nơi tập huấn cho các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) với việc mô phỏng chiến tranh điều khiển học mini. 

Theo chân, Mỹ và Trung Quốc cũng đã khởi xướng cuộc chiến nhằm chiếm vị trí thống trị trong không gian điều khiển học. Mặc dù Mỹ có vị thế dẫn đầu tuyệt đối trong lĩnh vực công nghệ Internet nhưng Trung Quốc ngay từ năm 1999 là nước bắt đầu sớm hơn trong việc chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh trên mạng.

Quân đội Trung Quốc tuy thua kém so với Mỹ về vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, nhưng đã bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới nhất với ý tưởng đặt cược vào một cuộc chiến tấn công trong không gian điều khiển học.

Thành phần mấu chốt trong chiến lược tấn công mạng của Trung Quốc là tạo ra sự “kiềm chế phi đối xứng” đối với Mỹ bằng việc thành lập các phân đội điều khiển học.

Hiện nay, Trung Quốc đã có đội quân điều khiển học khoảng 6.000 hacker, có khả năng bảo vệ các mục tiêu quan trọng sống còn của đất nước và đánh các đòn ngăn chặn đối phương. Ngoài ra, còn có khoảng 20.000 hacker “những người yêu nước” nằm trong đội hình các đơn vị đặc nhiệm Trung Quốc.

“Pháo đài số” của Lầu Năm góc với khoảng 15.000 mạng máy tính và hơn 7 triệu máy tính cũng bị hơn 100 đơn vị đặc nhiệm và cơ quan tình báo của nhiều nước trên thế giới thử thâm nhập. Từ nhiều năm nay, Lầu Năm Góc luôn luôn nằm trong sự bao vây của các hacker nước ngoài.

Các mạng viễn thông của Lầu Năm Góc, bao gồm cả mạng nội bộ SPIRNET cũng chịu đến 360 triệu cuộc tấn công mỗi năm. Mạng thông tin toàn cầu (GloballInfomationGrid) của Bộ quốc phòng Mỹ mỗi ngày chịu đến 3 triệu lần tấn công.

Năm 2009, Mỹ đã thành lập cơ quan mới của Lầu Năm Góc là Bộ chỉ huy điều khiển học (U.S. CyberCommand), là cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh mạng thông tin quân sự của Mỹ. Hoạt động của cơ quan này gắn liền với Cơ quan an ninh quốc gia nằm ở căn cứ quân sự Fort Mid (bang Meriland).

Tại căn cứ quân sự này, Mỹ đã mở trung tâm chỉ huy về an ninh mạng. Trong trung tâm này có các đội đặc nhiệm với hàng ngàn hacker. Bộ chỉ huy điều khiển học sẽ tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các mạng thông tin của đối phương.

Các phương tiện và biện pháp mới để tiến hành các chiến dịch tấn công và phòng ngự trong các mạng máy tính được soạn thảo trong khuôn khổ một dự án bí mật của Lầu Năm Góc mang tên “Manhetten”. Chính quyền Mỹ dự kiến chi cho bảo vệ chống hacker số tiền lên đến 11 tỷ USD.

“Chiến tranh mạng" ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng
“Chiến tranh mạng" ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng

Xây dựng “đội quân mạng”

"Cuộc chiến" liên quan đến an ninh mạng diễn ra ngày càng căng thẳng, với quy mô rất lớn đã trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Cộng đồng quốc tế và nhiều nước trên đang cân nhắc các biện pháp tăng cường an ninh, sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng. 

Các nước có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đã bắt đầu coi an ninh mạng là một bộ phận của tổng thể chiến lược quốc phòng chung. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hệ thống cơ sở hạ tầng mạng của Mỹ là "tài sản chiến lược cấp quốc gia". Bộ Chỉ huy Tác chiến mạng đã chính thức thành lập với nhiệm vụ bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng của Mỹ cũng như tấn công hệ thống của các quốc gia khác (trong trường hợp có chiến tranh). 

EU cũng như Anh, Nga đều có các cơ quan chuyên trách về lĩnh vực an ninh mạng. Anh cũng đã xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để đảm bảo an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua Internet.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định nội giới chức nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng.

Vì vây, chính phủ cần tăng cường các biện pháp đối phó, cũng như luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp hay các vấn đề tương tự. Cơ quan tình báo nước ngoài Đức (BND) có kế hoạch đầu tư khoảng 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới để thành lập "một đội trinh sát kỹ thuật" với khoảng 100 nhân viên.

Còn đối với Pháp, Paris sẽ triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 2 tỷ USD, và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin và lập trình để tăng cường khả năng bảo vệ, huấn luyện nhân viên hiện có, và sử dụng công nghệ mạng để hỗ trợ tốt hơn cho quân đội Pháp.

Tại châu Á, nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công nghệ hàng đầu của mình trước các hoạt động tình báo công nghiệp.

Nhiều ý kiến nhận định, "chiến tranh mạng" là một cuộc chiến không khói súng với những đội quân vô hình. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ năng lực để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng. Và nếu có năng lực thì cũng hạn chế và luôn phải cập nhật, vì tiến bộ công nghệ biến đổi không ngừng nghỉ. 

An ninh mạng đã trở thành vấn đề chung của thế giới, và do đó mọi nỗ lực, giải pháp an ninh cần được chia sẻ giữa các quốc gia. Ngoài ra, xây dựng được một năng lực tác chiến và phản công mạng hiệu quả cần chính phủ đầu tư lớn và triển khai một chiến lược rõ ràng và có lộ trình…/.

Đọc thêm